Trải nghiệm ấn tượng của chàng kỹ sư IT đang là sinh viên
Nguyễn Tấn Huy, chàng kỹ sư IT trẻ sinh năm 2001, bén duyên với Tập đoàn Viettel thông qua một chương trình tìm kiếm tài năng năm 2022. Huy đang là sinh viên năm 4 khoa Công Nghệ Thông Tin, Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Nguyễn Tấn Huy – kỹ sư của Viettel Solutions.
Sinh viên này chia sẻ mình thật may mắn và vinh dự khi được chọn là một trong những đại diện của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp (Viettel Solutions), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tham dự Fossasia Summit 2023, sự kiện quy tụ những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực mã nguồn mở ở châu Á – Thái Bình Dương.
Chàng trai trẻ cho biết việc được trao cơ hội cọ sát chính là một trải nghiệm quý giá, giúp bản thân có thể trau rồi thêm tri thức về các công nghệ mới, những phát triển trong cộng đồng mã nguồn mở để từ đó có thể phát triển bản thân và áp dụng vào sự phát triển của Viettel Cloud.
"Tri thức là vô hạn, nên không ai có thể biết được tất cả một cách toàn diện và chắc chắn. Có những công việc chúng ta nghĩ là bình thường nhưng đối với người khác điều đó có thể là tri thức mới", Huy cho biết.
Ở chiều ngược lại, việc chia sẻ tri thức không chỉ đóng góp vào cộng đồng công nghệ thế giới mà còn giúp chính những người Viettel nhận lại những góp ý quý giá để từ đó hoàn thiện và phát triển hơn nữa.
Huy cho biết phần trình bày của mình tại FOSSASIA Summit 2023 là về cách sử dụng các chương trình mã nguồn mở vào việc xây dựng các tài nguyên hạ tầng cần thiết cho một cụm Kubernetes.
"Bài trình bày cũng là một lời quảng bá đến bạn bè quốc tế về sản phẩm Viettel Cloud do người Việt Nam làm chủ và phát triển. Đây cũng là lời khẳng định về tài năng và tầm vóc của các kỹ sư Viettel - dám nghĩ dám làm, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi để tốt hơn", Huy tự hào chia sẻ.
Ngoài ra, chàng kĩ sư sinh năm 2001 cùng cảm thấy vô cùng tự hào về hành trình gần 1 năm học tập và làm việc tại Viettel thông qua chương trình Viettel Digital Talent. Trải qua các vòng thi, Huy được tham gia vào nhóm kỹ sư xây dựng, phát triển sản phẩm Viettel Cloud – nằm trong hệ sinh thái điện toán đám mây tiên phong ở Việt Nam.
Xuất phát điểm là một sinh viên năm 3 còn bỡ ngỡ, thiếu định hướng nghề nghiệp, Huy cho biết mình đã được sự chỉ dẫn tận tình về chuyên môn cũng như chia sẻ về định hướng, kinh nghiệm làm việc của các anh chị mentor, các anh chị có kinh nghiệm trong phòng, ban sau khi gia nhập Viettel, tại Trung tâm dịch vụ Cloud của Viettel Solutions.
Văn hóa trao cơ hội cho những nhân tài trẻ đặc trưng ở Viettel
Từng tham gia rất nhiều diễn đàn về điện toán đám mây (Cloud), ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions, nhấn mạnh việc trao cơ hội cho các bạn trẻ đã trở thành văn hóa ở Viettel Solutions nói riêng và Tập đoàn Viettel nói chung. Cũng là người bắt đầu tham gia vào các diễn đàn công nghệ trên thế giới khi còn rất trẻ, ông Hiếu nhấn mạnh sự tiếp nối, kế thừa trong lĩnh vực này.
Ông Lê Quang Hiếu (1989), Phó TGĐ Viettel Solutions.
"Bây giờ sóng sau xô sóng trước thôi. Dù tuổi đời của các bạn còn trẻ nhưng so với lĩnh vực công nghệ và mã nguồn mở, các bạn ấy chỉ đang trong độ tuổi chín và tiếp tục phát huy. Không có bất cứ rào cản nào cả", ông Hiếu nhận định.
Từ câu chuyện của bản thân, ông Hiếu (sinh năm 1989) nhấn mạnh: "Những thành tựu mà tôi gặt hái được chứng minh cho truyền thống của Viettel là sẵn sàng trao cơ hội, trao việc khó cho các bạn trẻ, tạo điều kiện hết sức để các bạn ấy hoàn thành. Thành tựu sẽ được ghi nhận không quan trọng tuổi đời hay tuổi nghề".
Thông qua những sự kiện như Fossasia Summit, các kỹ sư IT trẻ có thể biết cộng đồng kỹ thuật thế giới vận hành như thế nào, họ đang tư duy ra làm sao để rồi soi lại xem mình hơn người ta gì, chậm hay thua họ ở điểm nào.
Bên cạnh đó, việc tham dự các diễn đàn công nghệ toàn cầu cũng là cơ hội để người Viettel thể hiện năng lực và lợi thế của mình. Một trong những điều kiện thuận lợi của các kỹ sư IT Viettel là hạ tầng lớn với bề dày lịch sử. Không chỉ lớn mạnh ở Việt Nam, hạ tầng của Viettel còn nằm trong top đầu ở Đông Nam Á.
Ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn Viettel rất ủng hộ mã nguồn mở, mở về kiến thức, mở về tri thức nên các bạn trẻ được đặt trong môi trường thuận lợi để nghiên cứu, tìm tòi, triển khai các dự án. Cùng với đó là những bài toán khó khi Viettel đặt ra mục tiêu dẫn dắt chuyển đổi hạ tầng số. Đây chính là cơ hội lớn cho các bạn trẻ phát triển bản thân.
Nói về Fossasia Summit, ông Hiếu cho biết, giống với các kỹ sư IT tới từ khắp thế giới, đây là một diễn đàn công bằng, mang lại cơ hội cho người trẻ trong cộng đồng mã nguồn mở, trong đó có các kỹ sư của Viettel.
Những “ốc đảo” dữ liệu gây khó khăn cho tiến trình chuyển đổi số ngành y tế
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), chuyển đổi số trở thành yêu cầu mà mọi ngành nghề không thể bỏ qua. Ngành y tế cũng không phải ngoại lệ. Việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi to lớn trong chăm sóc sức khỏe người bệnh thông qua việc đồng nhất cơ sở dữ liệu, tạo ra bước nhảy vọt trong quản lý để qua đó làm giảm tải áp lực lên ngành y tế nói chung và các cơ sở y tế nói riêng.
Nếu được “đưa lên mây” đồng bộ, ngành y tế sẽ giải quyết được thách thức đến từ việc bị phân mảnh về dữ liệu.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ngành y tế phải đối mặt với thách thức đến từ việc bị phân mảnh về dữ liệu. Với đặc thù gồm 63 tỉnh thành, trải rộng trên cả nước với trên 700 bệnh viện tuyến huyện và hàng nghìn trạm y tế tuyến xã và phòng khám…, việc đồng bộ hệ thống dữ liệu của ngành y tế là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Để chuyển đổi số theo cách thức thông thường, mỗi bệnh viện, cơ sở y tế sẽ phải triển khai một phòng máy, trong đó mua máy chủ và một hệ thống công nghệ thông tin như bộ định tuyến, chuyển mạch, lưu trữ cùng hệ thống backup, cần nhân sự am hiểu công nghệ thông tin vận hành. Ngoài ra, việc trang bị một phòng máy cũng cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn như sàn nâng, trần giả, báo cháy, báo khói, điều hòa…. Chi phí để trang bị một phòng máy như vậy sẽ rất tốn kém.
Trong quá trình vận hành, các phòng máy cũng cần mua phần mềm hỗ trợ, bao gồm cả các ứng dụng đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. Các vấn đề xảy ra trong quá trình vận hành như mất dữ liệu, mất kết nối đôi khi vượt ra ngoài khả năng xử lý của người phụ trách. Trên thực tế, việc để cơ sở y tế tự vận hành một phòng máy đơn lẻ ngoài chuyện tốn kém, còn có rủi ro rất lớn do không thể có nhân sự về công nghệ giỏi và cũng không có người sẵn sàng hỗ trợ 24/7 khi có sự cố.
Ngay cả khi vượt qua được các thách thức này, mỗi cơ sở y tế cũng sẽ giống một “ốc đảo” nên khả năng liên thông dữ liệu sẽ khó được thực hiện bởi có nhiều nhà cung cấp khác nhau với những tiêu chuẩn khác nhau. Trong trường hợp hệ thống dữ liệu y tế của một tỉnh chưa được liên thông thì việc kết nối với các địa phương khác cũng gặp trở ngại tương tự.
Điều này cũng tạo ra trở ngại lớn cho khả năng quản lý tập trung trong lĩnh vực y tế. Thiếu đi cái nhìn toàn cảnh, ngành y tế sẽ gặp khó trong việc phân tích mô hình bệnh tật từ đó lập kế hoạch tổng thể về nhân lực, cơ sở vật chất, giường bệnh, thuốc men hay máy móc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao… để có thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Bệnh nhân cũng không thể được hưởng những dịch vụ tốt nhất của ngành y tế tại các tuyến cơ sở mà thường phải “vượt tuyến” với mong muốn được chăm sóc tốt hơn.
‘ Lên mây ’ với chi phí thấp
Mặc dù chưa thể thực hiện các giải pháp tổng thể để liên thông hệ thống dữ liệu của toàn bộ ngành y tế, nhưng nhiều trạm y tế cấp xã, với điều kiện kinh phí eo hẹp đã tìm được phương án phù hợp. Theo đó, họ chọn việc “lên mây” với hệ thống dữ liệu. Thay vì máy chủ vật lý, hệ thống trạm y tế xã đã thuê lưu trữ trên đám mây (Viettel Cloud) của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions).
Nhờ “đám mây”, các trạm y tế xã không còn phải lo lắng về phòng máy cho máy chủ, phần mềm quản lý, các vấn đề kỹ thuật bảo mật hay vận hành giám sát hệ thống 24/24h… Đặc biệt, khi các cơ sở y tế muốn thử nghiệm dịch vụ, thay vì cần cài đặt hệ thống máy chủ để dùng thử như trước thì bây giờ, họ chỉ cần có tài khoản cloud của đối tác Viettel Solutions là đã có thể trải nghiệm. Điều này đảm bảo sự phù hợp nhất trước khi lựa chọn sử dụng dịch vụ.
Cloud giúp cho các trạm y tế liên thông về dữ liệu, không còn trở thành những “ốc đảo” nữa.
Một lợi thế khác từ đám mây là các trạm y tế có thể thuê dịch vụ cloud giống như thuê bao điện thoại. Khi không muốn, họ có thể dừng dịch vụ, không giống việc đầu tư cho phòng máy và một hệ thống máy chủ thì buộc phải dùng cho tới khi hết khấu hao.
Ngoài ra, việc sử dụng cloud còn các trạm y tế giúp liên thông, chuyển tuyến dữ liệu một cách dễ dàng. Các trạm y tế cấp xã đã không còn là những “ốc đảo” về dữ liệu nữa. “Mỗi trạm y tế tuyến xã chỉ cần bỏ ra chi phí nhỏ rất nhiều với việc đầu tư để sử dụng và Viettel sẽ hỗ trợ mọi nhu cầu, từ vận hành tới bảo mật dữ liệu thông tin…”, đại diện Viettel Solutions cho biết.
Trong khi đó, ở khối y tế tư nhân, Bệnh viện Hồng Ngọc là ví dụ về việc “lên mây”, dùng chung 1 hệ thống cơ sở dữ liệu cho 7 cơ sở khác nhau. Giải pháp này cũng giúp liên thông dữ liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Khi hệ thống bệnh viện này mở rộng cơ sở, họ chỉ cần cấp thêm tài khoản rồi đào tạo nhân sự vận hành là mọi dữ liệu sẽ được chia sẻ.
Nếu các bệnh viện và cơ sở y tế nhà nước khác cùng triển khai hệ thống dữ liệu “trên mây”, bác sĩ giỏi ở các tuyến tỉnh, tuyến trung ương đều có thể đọc kết quả khám chữa từ mọi nơi. Khi kết quả mà máy xét nghiệm đưa ra giống nhau, sự khác biệt sẽ nằm ở chuyên môn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp nâng cao gấp nhiều lần chất lượng khám chữa bệnh.
Ngoài ra, khi ngành y tế có thể quản lý tập trung, việc tích hợp các ứng dụng chuyển đổi số khác như hệ thống thanh toán, hóa đơn điện tử, ứng dụng cho người dân… đều có thể tích hợp và tích hợp được rất nhanh. Các cơ sở y tế sẽ không phải điều chỉnh phần mềm, hạn chế những chi phí tích hợp tốn kém.
Trên thực tế, nhiều cơ quan nhà nước, tập đoàn, tổng công ty lớn đã chọn dịch vụ Viettel Cloud mà Viettel Solutions cung cấp bởi công ty này là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ sinh thái đám mây với nhiều dịch vụ khác nhau. Nếu có nhu cầu, các tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi duy nhất mà không cần phải tìm đến nhiều nhà cung cấp, giúp việc vận hành nhanh chóng. Thêm vào đó, nhờ sở hữu hệ thống hạ tầng đám mây lớn nhất Việt Nam, chi phí tổng thể khi sử dụng dịch vụ đám mây của Viettel cũng cạnh tranh nhất.
“Trong ngành y tế, chúng tôi đã đồng hành với ngành nhiều năm nên có sự thấu hiểu ở cấp độ quản lý và chuyên ngành cũng như phân tích dữ liệu. Nhờ đó, việc đưa ra các giải pháp về đám mây hay số hoá các hoạt động của chúng tôi cũng sẽ mang tính thấu hiểu chuyên môn hơn”, đại diện Viettel Solutions chia sẻ.
Đang làm việc trong ngành được coi là “công việc hấp dẫn nhất thế kỷ 21”, điều gì đã khiến một chàng trai ở nước Bỉ xa xôi, hay một cô gái Việt có cơ hội phát triển sự nghiệp ở Đức, và nhiều nhân sự chất lượng cao học ở nước ngoài về khoa học dữ liệu, cuối cùng lại về Việt Nam và lựa chọn Viettel Solutions?
Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist) là nghề nghiệp được Harvard Business Review đánh giá là “công việc hấp dẫn nhất thế kỷ 21”. Theo McKinsey, ngay từ năm 2018, nước Mỹ đã thiếu hụt từ 140.000 tới 190.000 chuyên gia phân tích dữ liệu, thiếu 1,5 triệu nhà quản lý biết sử dụng các công cụ dữ liệu lớn để thực hiện việc ra quyết định hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của công nghệ số, ngày càng nhiều doanh nghiệp có mong muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhờ việc sử dụng những thông tin được phân tích do công nghệ này mang lại. Theo đó, nhân sự chất lượng cao về khoa học dữ liệu đang được các công ty công nghệ săn đón hơn bao giờ hết. Vậy nên, nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực này thường nhận được rất nhiều lời mời chào và có quyền lựa chọn nơi mình muốn phát triển sự nghiệp.
Ứng Kim Phượng từng tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Kinh tế học định lượng (Quantitative Economics) tại Đại học Bielefeld. Sau khi tốt nghiệp, Phượng đã có cơ hội làm việc ở Đức, tại eBay - một tập đoàn công nghệ lớn ở châu Âu, với vị trí Business Analyst Inventory Planning.
Nhưng sau đó, Phượng quyết định về Việt Nam, làm việc cho Viettel, và hiện giữ vị trí Phó phòng Phân tích dữ liệu chuyên sâu của Viettel Solutions.
“Trước khi về Việt Nam, tôi cũng khá đắn đo, không biết liệu có nhiều cơ hội cho mình trong lĩnh vực khoa học dữ liệu hay không, hay công ty nào phù hợp. May mắn cho tôi, thời điểm tôi về Việt Nam, cũng là thời điểm lĩnh vực này bắt đầu phát triển. Các doanh nghiệp rất cần nhân lực data, kể cả các bạn có nền tảng kinh tế, hay những bạn trái ngành nhưng rất mong muốn làm việc trong lĩnh vực này” - Phượng nói.
Phượng đứng trước sự lựa chọn tiếp tục làm việc các công ty quốc tế hoặc gia nhập các công ty có kho dữ liệu lớn. Khi đó, Phượng xác định, với nền tảng kinh tế, chị sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa kinh doanh và dữ liệu. Phượng hiểu code, và có thể quản trị được các dự án về dữ liệu. Và khi xác định theo ngành khoa học dữ liệu, Phượng muốn chọn công ty có nhiều dự án về lĩnh vực này.
“Vì thế, tôi chọn Viettel Solutions”, Phượng cho biết. Lựa chọn Viettel Solutions, Phượng được làm rất nhiều việc. Những đề xuất, ý tưởng ấp ủ ngay từ khi còn làm việc tại Đức đều được chào đón ở đây.
Anthony Guiot, một data scientist người Bỉ, ngay từ khi còn là một đứa trẻ, đã được dạy rằng phải dựa vào chính mình để thành công, nhưng hãy hỗ trợ những người khác nếu có cơ hội. Ban đầu, Anthony đi theo con đường kỹ thuật để trau dồi trình độ chuyên môn, nhưng sau đó đã chuyển sang vai trò quản lý, huấn luyện, và xây dựng chiến lược. Các nghiên cứu và kinh nghiệm đã giúp Anthony có nhiều kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau như Thống kê, CNTT, Quy trình, Tài chính và Tiếp thị.
Trước khi sang Việt Nam, với hơn 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính & Phân tích dữ liệu và 3 bằng thạc sĩ … Anthony nhận được lời đề nghị 3 tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Viettel. Sau cùng, anh quyết định chọn Viettel.
Anthony chia sẻ, trước khi làm việc cho Viettel, Anthony đã có ấn tượng khá tốt về tập đoàn này. Trước hết là vì lịch sử phát triển trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; tiếp đến là triển vọng phát triển của tập đoàn này trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu…
“Viettel không chỉ là công ty lớn, mà còn là một doanh nghiệp quan trọng với Việt Nam, đại diện cho Việt Nam” - chàng trai người Bỉ, hiện đang là Chuyên viên chính Khoa học dữ liệu tại Viettel Solutions, chia sẻ. “Ở Viettel Solutions, nhân viên có nhiều không gian tự do để phát triển, và được trao quyền để tạo ra thay đổi. Tôi cũng phát triển được nhiều kỹ năng mới ở mức cao hơn như quản lý, xây dựng chiến lược và chiêu mộ nhân tài, thay vì chỉ tập trung vào các công việc kỹ thuật”.
Ứng Kim Phượng cho biết, hiện nay, phòng Phân tích dữ liệu của Viettel Solutions có 16 nhân sự, một số nhân sự vốn là du học sinh ở nước ngoài về như châu Âu, Hàn Quốc, hoặc như Anthony, người Bỉ và sang Việt Nam làm. “Ở Viettel Solutions, chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ các bạn, đào tạo để các bạn có thể tham gia dần vào các dự án luôn’ - Phượng nói - ‘Trên thị trường nói chung luôn khan hiếm các data scientist có nhiều năm kinh nghiệm, vì ngành này mới phát triển ở Việt Nam. Vậy nên, việc tuyển dụng thành công chuyên gia có chuyên môn cao như Antony để chịu trách nhiệm tổng quan là rất quan trọng’.
“Viettel đã phát triển nhiều năm rồi, và có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ. Thế nên, khách hàng có thể tìm thấy mọi kỹ năng cần thiết ở nhân sự Viettel Solutions trong lĩnh vực số hoá, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu, phân tích kinh doanh…” - Anthony bổ sung thêm. Đội ngũ nhân sự dồi dào trong đa dạng lĩnh vực này giúp Viettel Solutions luôn sẵn sàng triển khai dự án, và cũng góp phần tạo ra điểm mạnh đặc trưng của Viettel Solutions khi triển khai các dịch vụ về dữ liệu cho khách hàng.
Ứng Kim Phượng nhấn mạnh: “Điểm mạnh của Viettel Solutions khi cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu là chúng tôi cung cấp fullstack (giải pháp hoàn chỉnh) thay vì từng phần, bao gồm dịch vụ xây dựng data warehouse, data lakehouse. Sau đó, chúng tôi cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu trên các nền tảng đó như business intelligence, dashboard, hay data guidance (quản trị dữ liệu). Hiện tại, đây là lĩnh vực rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có thể cung cấp. Viettel Solutions có cơ sở khách hàng trong cả khu vực công và tư nhân, nên sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ data guidance”.
Ngoài các dự án chính, cơ hội tham dự, đóng góp cho các sự kiện khoa học cũng là điểm thu hút trong mắt các nhân sự đến với Viettel Solutions. Hiện nay, cả Phượng và Anthony đều đang là đại sứ của Sự kiện WiDS (Women in Data Science do Đại học Standford, Hoa Kỳ tổ chức) ở Việt Nam. Chương trình nhằm khuyến khích, truyền cảm hứng, hỗ trợ và đào tạo nhân sự, đặc biệt là các bạn nữ tham gia vào ngành khoa học dữ liệu, mạnh dạn nắm bắt cơ hội của mình. Ứng Kim Phượng nói: ‘Công việc của tôi ở Viettel Solutions cũng rất đa dạng và nhiều màu sắc, chứ không chỉ là về chuyên môn kỹ thuật hay kinh doanh’.
Những robot phần mềm (RPA) được lập trình để mô phỏng những hành động mang tính lặp đi lặp lại của con người kết hợp với nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện ký tự quang học (OCR) hay phân tích (Analytics) trên kho dữ liệu khổng lồ đã mang lại cho giải pháp tự động hóa thông minh của Viettel nhiều lợi thế so với đối thủ.
Viettel Intelligent Automation là gì?
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, len lỏi sâu vào hoạt động hàng ngày của từng doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất, tài chính - ngân hàng, logistics...,
Nếu như các ứng dụng CNTT truyền thống hiện tại chỉ đáp ứng một phần yêu cầu, giải quyết các bài toán nhỏ lẻ, độc lập và các ứng dụng nội bộ chưa có sự liên kết, thì tự động hóa thông minh ra đời, được xem là “công nghệ vàng” trong tiến trình số hóa của mọi doanh nghiệp.
Viettel Intelligent Automation (Tự động hóa thông minh) là giải pháp tự động hoá thông minh toàn diện, vượt trội, kết hợp giữa Robot phần mềm (RPA) và các công nghệ tiên tiến khác như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện ký tự quang học (OCR), phân tích (Analytics) nhằm tăng cường tự động hóa cho các quy trình trong doanh nghiệp với khả năng tự suy nghĩ, tự học và tự thích nghi.
Ông Phan Thanh Hà, Phó phòng Giải pháp phần mềm, Trung tâm SI - Viettel Solutions biết trên thực tế có nhiều phương thức khác nhau để hiện thực tự động hóa nhưng điểm khác biệt của Viettel IA chính là việc lựa chọn phát triển Robot phần mềm (RPA) kết hợp nền tảng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và học máy mà Viettel đã làm chủ về công nghệ và dữ liệu trong những năm gần đây.
“Tự động hóa thông minh bao gồm 2 phần, tự động hóa (RPA) và thông minh (AI). Trên nền tảng hệ sinh thái chuyển đổi số Viettel, vốn được xây dựng dựa trên tập khách hàng lớn, RPA được đưa vào để robot mô phỏng lại thao tác của người trong toàn bộ quy trình vận hành, quản lý. RPA tiếp cận qua giao diện người dùng chứ không phải qua giao diện ứng dụng nên có thể được thực hiện nhanh chóng mà hoàn toàn không can thiệp vào hệ thống hiện có của doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.
Với việc tự động hóa quy trình làm việc, vận hành doanh nghiệp trở nên tốt và hợp lý hơn, rủi ro xuất phát từ sai sót cá nhân được loại bỏ và cuối cùng là chuyển dịch nguồn nhân lực sang các nhiệm vụ chiến lược hơn thay vì phải làm những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại.
Viettel IA bổ trợ giúp kết nối các nền tảng nội bộ doanh nghiệp, giúp tự động hóa nhanh chóng, tạo ra các cải tiến ngay lập tức trong ngắn hạn, giúp doanh nghiệp tự động hóa toàn diện và thống nhất trong dài hạn.
Tiềm năng to lớn của Tự động hóa thông minh
Các quy trình thủ công hiện nay của các doanh nghiệp đang bộc lộ các vấn đề về giảm sút năng suất lao động, trải nghiệm của khách hàng và cả sự hài lòng của người lao động. Theo ước tính hiện nay, có tới trên 10 tỷ giờ thực hiện các công việc thủ công, số ứng dụng nội bộ doanh nghiệp tăng tới 70% trong vòng 4 năm qua.
Với mong muốn giải quyết những “nỗi đau” đang tồn tại trong các doanh nghiệp Việt, Viettel Solutions trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong, sẵn sàng chấp nhận thách thức của người đi đầu nhằm xây dựng và phát triển một giải pháp có khả năng tự động hóa thông minh cho doanh nghiệp.
“Khó khăn lớn nhất với chúng tôi không phải ở khâu công nghệ mà là tiếp cận thị trường. Khi mới bắt đầu, việc chứng minh công nghệ mới sẽ mang lại hiệu quả, có tương lai và thuyết phục khách hàng đồng ý triển khai là vô cùng khó khăn…. Bằng sự kiên trì và bản lĩnh của người Viettel, cùng với một phương pháp luận riêng độc đáo, các giải pháp của chúng tôi đã được khách hàng chấp nhận, chúng tôi đã giúp khách hàng giải quyết nhiều bài toán bằng nỗ lực của chính mình”, ông Hà cho biết.
Hiệu quả đã được chứng minh, với khả năng thực hiện công việc 24/7 với chi phí chỉ bằng 1/3 so với nhân công toàn thời gian, robot tự động hóa đã khẳng định vai trò của một lực lượng lao động số có kiểm soát, có khả năng mô phỏng hoạt động con người với các công việc mang tính lặp đi lặp lại trên chính các nền tảng công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng. Đặc biệt hơn, robot tự động hóa còn có khả năng được con người đào tạo.
Ông Hà cho biết, Viettel IA (Tự động hóa thông minh) bên cạnh được ứng dụng hiệu quả cho chính nội bộ Tập đoàn Viettel và các thị trường do Viettel đầu tư thì giải pháp hiện đang trở thành chìa khóa giải các bài toán tự động hóa của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Những công việc liên quan tới nhập liệu hay thủ công hiện đã được robot thay thế.
“Mình rất ấn tượng với lần đầu Viettel IA (Tự động hóa thông minh) được triển khai với khách hàng bên ngoài, một ngân hàng. Khi đó, robot tự động hóa chỉ được thiết lập để làm việc trong giờ giao dịch. Các bạn làm việc tại ngân hàng muốn làm nốt công việc ngoài giờ nhưng do đã quá quen với các lợi ích mà robot mang lại, họ thực sự sợ phải làm thủ công một lần nữa”, ông Hà chia sẻ.
Viettel IA (Tự động hóa thông minh) đã chứng minh hiệu quả rõ rệt khi ứng dụng trong các hoạt động chuyển đổi số tại quầy bao gồm xử lý khoản vay và thanh toán tự động tại một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Nếu như trước đây, mỗi bộ hồ sơ cho vay cầm cố sản phẩm huy động vốn cần đến 1 hoặc 2 ngày để giải ngân thành công với 8 nhân sự tham gia vào quy trình, thì nay với việc áp dụng Viettel IA (Tự động hóa thông minh), giao dịch viên tại quầy chỉ cần 1 - 3 phút để khai báo thông tin hồ sơ, sau đó gửi Kiểm soát viên thẩm định. Robot RPA tự động tiếp nhận hồ sơ, kết nối với hệ thống Quản lý khoản vay và Corebanking để giải ngân vốn vay về tài khoản của khách hàng. Theo quy trình mới, thời gian xử lý 1 bộ hồ sơ giảm 89%, gần 700 nhân viên ngân hàng tiết kiệm được 79.200 giờ làm việc/năm thực hiện nghiệp vụ cho vay. Điều này tương đương với việc Ngân hàng tiết kiệm được 38,1 FTE (Full-time equivalent), giá trị làm lợi lên đến 76 tỷ đồng/năm.
Với lợi thế về hạ tầng số, công nghệ cùng kinh nghiệm triển khai và đội ngũ chuyên gia sở hữu các chứng chỉ quốc tế, hiện nay Viettel IA (Tự động hóa thông minh) đã được tin tưởng lựa chọn, ứng dụng thành công hàng trăm quy trình tự động hóa tại hơn 16 doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực sản xuất, Tài chính - ngân hàng, Bảo hiểm, Logistics,...
Viettel Agile mang ý nghĩa của cách tiếp cận chuyển đổi số tiên phong, bắt nguồn từ Silicon Valley.
Agile ra đời trong bối cảnh ngành phát triển phần mềm gặp nhiều thử thách với cách thức phát triển truyền thống, là tiếp cận tuyến tính, thực hiện tuần tự các bước theo kế hoạch.
Cách tiếp cận cũ này thường gặp rất nhiều rủi ro không thể tiên lượng trước, ví dụ như khách hàng thường xuyên thay đổi yêu cầu trong quá trình sản xuất, thường là do họ không biết mình cần gì cho đến khi trực tiếp sử dụng sản phẩm, hoặc yêu cầu ban đầu đã lỗi thời và không đáp ứng được mục tiêu kinh doanh. Khi yêu cầu thay đổi, toàn bộ các bước phải tiến hành lại. Kết quả là sản phẩm làm ra không đúng yêu cầu của khách hàng, bị trễ thời gian, hoặc quá ngân sách.
Agile xuất hiện, với ý nghĩa lõi là nhanh chóng thích ứng và phản hồi với thay đổi, từ đó đạt được thành công trong một môi trường liên tục biến động và không chắc chắn, đã nhanh chóng làm thay đổi diện mạo nền công nghệ thế giới, cũng như đang lan tỏa mạnh mẽ và thể hiện giá trị trong nhiều lĩnh vực khác.
Để thích ứng nhanh, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng “văn hóa Agile” vào mô hình tổ chức trong đó có Việt Nam và đã thành công, minh chứng rõ nét nhất là trong đại dịch Covid, những doanh nghiệp có văn hóa Agile với mô hình kinh doanh thích ứng đều tăng trưởng trên 2 con số.
Theo Vietnam Agile Report 2021, khả năng cải tiến liên tục, khả năng linh hoạt trước sự thay đổi chưa thể đoán định cùng với khả năng phản hồi liên tục với khách hàng và thị trường là những lợi ích lớn nhất của Agile đối với chuyển đổi số, cùng với đó là sự minh bạnh về tiến độ và hoạt động của các bộ phận, cũng như việc giao tiếp và gắn kết đội ngũ.
Viettel Agile
Nhận thấy “Agile” đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người, dễ nhớ, dễ đọc, mà còn phù hợp với triết lý “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” của Viettel, phù hợp cho mong muốn “Khai phóng tiềm năng số” (digi-potential) của Viettel Solutions, ban lãnh đạo Viettel Solutions đã lấy tên triết lý này để đặt tên cho phương pháp luận chuyển đổi số của mình.
Qua tên gọi của dịch vụ, Viettel Solutions gửi gắm các thông điệp hàm ý về các bước và trình tự của chuyển đổi số:
Chữ “A” đầu tiên là viết tắt của từ “Aware”: với ý nghĩa Viettel Solutions sẽ giúp khách hàng của mình nhận thức được các “Pain Point” (nỗi đau) và thiết lập các nhận thức chung trong toàn tổ chức, đối tác và các cá nhân liên quan, thông qua khung tiêu chí, được Viettel Solutions xây dựng dựa trên sự nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo từ các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như TMForum hay các hãng Big4, kết hợp với việc cá thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị trong các tổ chức và doanh nghiệp được khảo sát.
Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số hiệu quả cần một nhà tư vấn am hiểu và có cách tiếp cận về số hóa phù hợp và thực chiến.
Việc này xuất phát từ một thực tế rất thường thấy ở các doanh nghiệp Việt muốn chuyển đổi số. Kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa phần những doanh nghiệp này cho biết họ chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào.
Mặt khác, theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021, doanh nghiệp cũng gặp phải rất nhiều rào cản khác. Có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, là rào cản thứ hai khiến họ gặp trở ngại trong chuyển đổi số.
Các khó khăn chính tiếp theo gồm: Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (45,4%), Thiếu thông tin về công nghệ số (40,4%) và Khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số (38,5%). Các rào cản còn lại như Thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo và quản lý DN; Thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN xếp ở mức thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 32,1%, 26,6% và 23,4%.
Việc nhận biết “nỗi đau” là khâu vô cùng quan trọng để Viettel Solutions có thể hỗ trợ các khách hàng trong việc chuyển đổi số. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá càng rõ ràng thì việc “chẩn đoán” sức khỏe số càng sát và tư vấn càng sát với hiện trạng doanh nghiệp.
Chữ “G” là viết tắt của từ “Go Through” mang ý nghĩa Viettel Solutions sẽ cùng khách hàng của mình xem xét đánh giá mức độ trưởng thành số toàn diện và xây dựng một kế hoạch toàn diện về Chuyển đổi số với các ưu tiên trọng tâm; theo đó, Viettel sẽ có các phân kỳ hợp lý để giảm áp lực về chi phí, vốn, và khuyến nghị các giải pháp phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản lớn nhất.
Chữ “I” đại diện cho từ “Implement” là triển khai các sáng kiến chuyển đổi số theo lộ trình đã xây dựng; Chữ “L” trong từ “Learn” bắt nguồn từ văn hóa “Continuous Improvement”, nghĩa là liên tục học, cải tiến, tối ưu các sáng kiến đã triển khai; để giải quyết khó khăn trong thay đổi văn hoá, tập quán kinh doanh.
Và chữ “E” trong “Enable” hướng đến việc Viettel Solutions cùng các doanh nghiệp và tổ chức hiện thực hóa và khai phóng tiềm năng số của mình. Với đội ngũ chuyên gia và hàng ngàn kỹ sư, Viettel có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc thiếu nhân lực cho chuyển đổi số.
Bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn chuyển đổi số của Viettel Solutions chia sẻ: “Trên thực tế, trong quá trình chuyển đổi số, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức không biết phải làm những việc gì, phải bắt đầu từ đâu trên hành trình chuyển đổi số. Cũng có câu hỏi đặt ra rằng, việc chuyển đổi số cần những sáng kiến như thế nào, trong bao lâu thì xong, tốn chi phí ra sao’’.
Trên thực tế phương pháp luận Viettel Agile cũng đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn triển khai như Vietnam Airlines, CEO Group, Bộ Quốc phòng, báo Quân đội Nhân dân, Tổng cục Hậu cần…
Một trong những thành công tiêu biểu việc ứng dụng phương pháp luận Viettel Agile là việc xây dựng trung tâm quản lý điều hành thông minh Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: “Qua quá trình hợp tác với Viettel, trung tâm quản lý điều hành thông minh Huế đã hình thành tương đối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đáp ứng được những nhu cầu cho người dân, đặc biệt là đã nâng cao tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền - một trong những vấn đề cốt lõi của đô thị thông minh”.
2022 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học thông qua Hệ thống Thi THPT Quốc gia – nền tảng số do Viettel Solutions xây dựng. Đây là một trong nhiều sản phẩm thuộc hệ sinh thái giáo dục mà Viettel Solutions phát triển.
Những con số biết nói
Số liệu thống kê cho thấy, kỳ thi xét tuyển đại học vừa qua đã có hơn 80% thí sinh toàn quốc hoàn tất việc nộp lệ phí trực tuyến (tương đương 342.000 người). Đây là lần đầu tiên việc tổ chức xét tuyển và nộp lệ phí diễn ra trực tuyến, giúp cả xã hội giảm thiểu chi phí, thời gian.
Đồng hành cùng các sĩ tử, Hệ thống Thi THPT Quốc gia do Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) phụ trách phần kỹ thuật đã giúp hơn 1.000.000 thí sinh hoàn tất thủ tục với tổng số nguyện vọng đăng ký thành công lên tới hơn 3.000.000. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, Hệ thống đã hỗ trợ hơn 4.000.000 thí sinh với hơn 12.000.000 lượt nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Cùng với những nền tảng giúp hỗ trợ việc học và thi của hàng triệu học sinh trên cả nước, Viettel Solutions còn cung cấp hàng loạt hệ thống giúp bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục. Đáng chú ý nhất phải kể đến Hệ thống Tập huấn và bồi dưỡng giáo viên SmartLMS.
Thông qua SmartLMS, Viettel Solutions đã hỗ trợ 9 module đào tạo cho hơn 35.000 giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán. Đối với giáo viên, cán bộ quản lý đại trà, hệ thống mà Viettel Solutions triển khai đã đào tạo trực tuyến 9 module tới gần 700.000 người thuộc diện thụ hưởng. Hiện nay, chương trình đã đi vào giai đoạn kết thúc và những con số này là kết quả vượt trội so với cam kết ban đầu.
Không chỉ vậy, Viettel Solutions còn đi đầu trong việc xây dựng nền tảng tích hợp, giải quyết trọn vẹn các bài toán phát sinh trong trường học. Cụ thể, nền tảng giáo dục thông minh Education Smartup và Cổng thông tin điện tử EduPortal cho phép các trường thực hiện nhiều nhiệm vụ như: thanh toán học phí điện tử, chữ ký số, soạn câu hỏi, lập đề thi, trao đổi trực tuyến, liên lạc điện tử, đánh giá thi đua, báo cáo – thống kê, thư viện điện tử, quản lý y tế…
Hiện nay, nền tảng giáo dục thông minh Education Smartup đã được triển khai tại 63 Sở Giáo dục Đào tạo trên cả nước với gần 8.000.000 tài khoản người dùng. Riêng cổng thông tin điện tử EduPortal được triển khai rộng rãi tại 19.000 trường học trên 61 Tỉnh/Thành phố.
Điểm khác biệt lớn nhất mà hệ thống giáo dục số Viettel Solutions đem lại là toàn bộ nền tảng được liên kết và đồng bộ dữ liệu với nhau. Công nghệ SSO (Single Signed on) do Viettel Solutions phát triển cho phép người dùng chỉ cần 1 tài khoản duy nhất để đăng nhập vào tất cả phần mềm tích hợp trong cùng hệ sinh thái giáo dục của Viettel.
Để có được thành tựu này, từ năm 2017, Viettel đã bắt tay vào xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trong ngành Giáo dục, xuyên suốt từ cấp Bộ, xuống Sở, Phòng, Trường. Đây cũng là nền móng giúp hình thành hệ sinh thái toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu của tất cả đối tượng, từ cấp quản lý cho tới giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Lắng nghe, thấu hiểu và cùng ngành Giáo dục hành động quyết liệt
Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giáo dục số, Viettel Solutions chia sẻ: “Chúng tôi luôn lắng nghe, thấu hiểu những ‘nỗi đau’ của ngành Giáo dục, những vất vả của các thầy, cô trên hành trình ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học”.
Không chỉ là nhà cung cấp nền tảng số, trong nhiều năm qua, Viettel Solutions còn trở thành người bạn thân thiết, đồng hành với ngành Giáo dục. Đơn vị này đã cắt cử nhiều cán bộ về tận trường học để hướng dẫn từng học sinh, giáo viên ứng dụng các tính năng trong các nền tảng công nghệ để bổ trợ cho phương pháp dạy và học.
Bà Lan chia sẻ, từ khi khởi xướng cho đến hôm nay, 5 năm đã qua nhưng tinh thần của mỗi cán bộ Viettel vẫn nhiệt huyết như ngày mới bắt đầu. Mỗi người đều luôn tự coi mình là một “Táo giáo dục”, gánh trên vai trách nhiệm phải thấu cảm và cùng ngành Giáo dục hành động một cách quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi số.
Cũng nhờ việc đi sâu, đi sát cùng ngành Giáo dục trên hành trình chuyển đổi số, Hệ sinh thái của Viettel Solution đã cung cấp giải pháp hữu hiệu cho cả 4 nhóm đối tượng chính thuộc ngành giáo dục.
Các giải pháp số của Viettel Solutions được thiết kế tối ưu cho các Sở/Phòng giáo dục các tỉnh, thành phố cũng như các trường. Với hệ thống quản trị dữ liệu tập trung và phân tích số liệu thông qua các báo cáo động, các cấp quản lý dễ dàng dàng nắm bắt mọi thông tin về giáo dục – đào tạo trên địa bàn của mình; Đồng thời cho phép chính xác hóa, minh bạch hóa báo cáo, sổ sách, hồ sơ; đảm bảo an toàn thông tin trong khâu quản lý điều hành. Từ đó, cán bộ quản lý có thể đưa ra những quyết định, chiến lược phát triển chính xác.
Trong khi đó, đối với giáo viên, hệ sinh thái giáo dục số của Viettel Solutions giúp giảm tải nhiều công việc thủ công như: chấm bài, ghi điểm, nhập điểm… để tập trung công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, giáo viên còn dễ dàng bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ bất kể ở đâu, khi nào thông qua các nền tảng hỗ trợ mà Viettel Solutions cung cấp, tiêu biểu như hệ thống SmartLMS.
Đặc biệt, đối với học sinh, các giải pháp hỗ trợ việc học và thi như K12Online hướng tới nâng cao trải nghiệm học tập, khơi dậy tinh thần tự học, các tiết học của thầy trò sẽ trở nên sinh động và trực quan hơn, học sinh được khuyến khích chủ động, giảm thuyết giảng, giảng dạy truyền thụ một chiều như trước đây.
Còn với các phụ huynh, họ có thể theo dõi tiến trình, kết quả… học tập, tu rèn thể chất và đạo đức của con mình bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục, trong năm vừa qua, Hệ sinh thái giáo dục số của Viettel Solutions đã vinh dự nhận giải Bạc – cuộc thi IT World Awards 2022. Các sản phẩm thuộc hệ sinh thái giáo dục của Viettel cũng đạt nhiều thành tích ấn tượng:
- Hệ thống quản lý nhà trường SMAS: Giải Vàng – IBA Stevie Awards 2022
- Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online: Giải Vàng – IT World Awards 2022, Giải Vàng – IBA Stevie Awards 2022.