Dịch vụ Internet Cáp quang FTTH (Fiber-To-The-Home) là dịch vụ hiện đại nhất giúp truy cập Internet tốc độ cao dựa trên nền tảng công nghệ cáp quang.
Kênh thuê riêng là dịch vụ cung cấp kết nối vật lý dành riêng cho khách hàng để truyền thông tin giữa các điểm cố định trong nước với tốc độ cao và bảo mật tuyệt đối. Dịch vụ Kênh thuê riêng áp dụng trong Peering với các ISP, truyền hình trực tiếp, Scada, hệ thống cơ yếu,...
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường nhấn mạnh, 5G sẽ là nền tảng hạ tầng để phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh…
Thưa ông, Hải Phòng là thành phố đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy thông minh vận hành với 5G PMN của Viettel. Ông có thể chia sẻ câu chuyện với kinh nghiệm, các giải pháp hỗ trợ mà thành phố đã thực hiện để Pegatron và Viettel có thể tạo nên sự kiện này?
Ông Hoàng Minh Cường: Với chủ trương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số là một nội dung quan trọng tạo nền móng thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, trong thời gian qua thành phố đã triển khai các chương trình phối hợp các tập đoàn viễn thông để thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn thành phố.
Đó là việc ngầm hoá, xây lắp các tuyến cáp quang dung lượng lớn, triển khai xóa các vùng lõm sóng, thúc đẩy phát triển thuê bao 4G và cáp quang băng rộng, xây lắp các trung tâm dữ liệu lớn, nghiên cứu khả thi triển khai cáp quang biển, và triển khai thử nhiệm công nghệ 5G tại các khu vực quan trọng như trung tâm thành phố, điểm du lịch, siêu thị lớn...
Hải Phòng là thành phố có thế mạnh về công nghiệp và cảng biển, do đó để phát huy các lợi thế của mạng 5G đối với lĩnh vực công nghiệp và logistics, Hải Phòng đã chủ động triển khai một số hoạt động thúc đẩy bao gồm: ký kết chương trình phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (trong đó có nội dung thúc đẩy triển khai 5G tại Hải Phòng); tổ chức một số hội thảo về công nghệ 5G, giới thiệu 5G trong các hội thảo khoa học, hội thảo về logistics và công nghiệp… để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp tại Hải Phòng; kết nối, xúc tiến tìm kiếm các đối tác sẵn sàng tham gia; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel và VNPT để triển khai thí điểm 1 số mô hình như 5G cho cảng biển (tại cảng Tân Vũ và Đình Vũ) và tại nhà máy của tập đoàn Pegatron.
Việc Viettel công bố lần đầu thử nghiệm thành công 5G Private Mobile Network tại Hải Phòng là một dấu mốc quan trọng, không chỉ minh chứng cho năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp, tính năng ưu việt của mạng 5G, mà còn làm tăng sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng. Tôi tin rằng sự thành công này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác với công nghệ 5G, mở ra tương lai tốt đẹp cho nền kinh tế Hải Phòng.
Một nhà máy thông minh vận hành với 5G PMN có gì vượt trội so với các nhà máy thông minh khác, thưa ông? Nếu không dùng 5G PMN, chúng ta có giải pháp công nghệ nào khác hay không?
Mạng 5G có những ưu thế vượt trội rất quan trọng với lĩnh vực công nghiệp như: Hỗ trợ tốc độ cao, mật độ kết nối lớn, độ trễ siêu thấp, bảo mật tốt, có mô hình vùng phủ linh hoạt, hỗ trợ tính toán tại biên mạng … Do đó 5G có thể hỗ trợ rất tốt cho các nhà máy thông minh có trang bị nhiều robot điều khiển tập trung, nhiều cảm biến IoT, hoặc có các phương tiện tự lái…
Việc ứng dụng 5G PMN vào hoạt động sản xuất cũng thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tự động hoá thông minh, giúp tăng năng suất, cho phép ứng dụng các hình thức quản lý chất lượng toàn trình tập trung, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, các nhà máy công nghệ cao và một số cảng biển thông minh tại Hải Phòng trước đây đã ứng dụng một số công nghệ không dây như Wifi, LoraWAN trong hoạt động vận hành khai thác. Tuy nhiên do hạn chế của các công nghệ nêu trên, việc ứng dụng chủ yếu vẫn chỉ dừng ở cung cấp kết nối mạng, giới hạn ở phạm vi vùng phủ sóng, tốc độ truyền dữ liệu, số thiết bị có thể kết nối…
Việc sử dụng công nghệ với tần số không cấp phép cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về chất lượng, tính bảo mật. Việc chuyển sang sử dụng mạng viễn thông 5G do nhà mạng cung cấp có thể khắc phục các yếu điểm nêu trên, đáp ứng các nhu cầu cao cấp của các doanh nghiệp công nghệ cao, thế hệ mới.
Hải Phòng và Viettel có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác trong việc phát triển 5G PMN tại thành phố cảng trong thời gian tới hay không?
Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế xã hội, là một trong những địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh và đang có những bước chuyển mình căn bản trong sự nghiệp chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Với vị thế cảng biển lớn nhất miền Bắc, nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, luôn đón đầu làn sóng hội nhập, có nhiều cảng đã và đang chuyển đổi sang mô hình cảng thông minh; quy tụ nhiều khu công nghiệp, công nghệ cao, là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn quyết liệt trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện cũng như đã có những thành tựu bước đầu về chuyển đổi số;
Thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel đã có nhiều hợp tác thành công trong tiến trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như phát triển hạ tầng viễn thông, ngầm hóa cáp viễn thông, chỉnh trang đô thị; hỗ trợ triển khai Cổng thông tin đất đai của thành phố Hải Phòng, thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh, giám sát an toàn thông tin cho thành phố; Triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, y tế cơ sở v.v.
Viettel là một doanh nghiệp lớn đồng hành để xây dựng cơ sở hạ tầng số, Hải Phòng có nhiều tiềm năng để phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội trong tương lai. Đây cũng chính là nền tảng, điều kiện quan trọng tạo nên sức hút cho thành phố đối với các đối tác đầu tư trong nước và quốc tế.
Từ nhà máy này, Hải Phòng kỳ vọng có thể mở rộng ứng dụng mô hình vào các lĩnh vực khác từ sản xuất đến cảng biển, sân bay cũng như các nhà máy của các doanh nghiệp lớn khác. Theo ông, việc mở rộng như vậy có những thuận lợi và thách thức nào? Từ phía chính quyền, có thể làm gì để giải quyết các thách thức đó?
Sự kiện thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng khẳng định Việt Nam đang đồng hành với thế giới trong xu hướng công nghệ tiên tiến nhất. Mạng 5G Private Mobile Network là một xu thế phát triển đang phát triển nhanh trên thế giới, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay… vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà wifi chưa đáp ứng được.
Việc phát triển mạng 5G sẽ là nền tảng hạ tầng để phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh… Công nghệ 5G cùng với trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, kết nối cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái kết nối đa dạng góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thành phố thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.
Bênh cạnh các ưu điểm vượt trội và tiềm năng rất lớn thì mạng 5G cũng đặt ra nhiều thách thức. Hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp phần lớn cũng là công nghệ cũ.
Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin. Để 5G phát triển thì phải có ứng dụng đi kèm, trong lĩnh vực giao thông thông minh như xe tự lái, kết nối camera AI giám sát an ninh trật tự, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khoẻ thông minh như phẫu thuật từ xa,... đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, song nhu cầu trong lĩnh vực này còn hạn chế. Vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng cũng là một thách thức vô cùng lớn.
Để giải quyết bài toán trên, cần có lộ trình phù hợp, trước mắt thành phố sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp, cảng biển, logistics, khu vực trung tâm thành phố. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ số, hình thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số, việc ứng dụng 5G sẽ trở thành phổ cập trong tương lai.
Năm 2022, chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số DTI của Hải Phòng xếp thứ 14 cả nước, tăng từ bậc 16 của năm 2021 và bậc 21 của năm 2020. Con số này cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của thành phố trong chuyển đổi số. Xin ông chia sẻ, 3 năm qua, thành phố đã có những hành động nào để đạt được kết quả như vậy?
Để có kết quả trên, những năm qua thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, đó là việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo, ban hành chương trình, hành động, kế hoạch hàng năm với các nhiệm vụ cụ thể về phát triển hạ tầng, phát triển nền tảng, dữ liệu số.
2 năm liền 2022, 2023, thành phố chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuyển đổi số”. Hàng năm ưu tiên kinh phí ngân sách đầu tư cho thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số chiếm 2% chi ngân sách khoảng từ 600-700 tỷ đồng.
Chủ động, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan, sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin; tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tế của các địa phương, khắc phục tồn tại, khó khăn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nếu nhân rộng được mô hình thành công của Pegatron, bức tranh của Hải Phòng sẽ như thế nào?
Hải Phòng là thành phố Cảng, trung tâm công nghiệp với 1 khu kinh tế, 14 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp, 6.000ha đất công nghiệp; những năm qua lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử của thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup… thu hút trên 25 tỷ USD FDI.
Theo công bố kết quả đo lường về chỉ số phát triển kinh tế số của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Hải Phòng đạt tỷ trọng trên 29% so GRDP, đứng thứ 4 cả nước. Nếu nhân rộng mô hình thành công của Pegatron, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển hạ tầng số, phát triển công nghiệp công nghệ cao, sớm về đích trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á trước năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Là đơn vị đại diện cho Tập đoàn Viettel thực hiện các dự án tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho Chính phủ, bộ ngành, UBND các cấp, các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam cũng như toàn cầu, ngay từ những ngày đầu, Viettel Solutions xác định cho mình sứ mệnh “Đồng hành cùng Chính phủ, Doanh nghiệp, Cộng đồng ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả cho tổ chức, hạnh phúc cho người dân" và trọng trách đưa giải pháp công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực, ngõ ngách của đời sống.
Điểm lại nửa thập kỷ đảm nhận sứ mệnh gắn bó với hành trình CĐS quốc gia, Viettel Solutions đã phát triển và lớn mạnh vượt bậc mà minh chứng ghi nhận cho điều đó là tổng công ty liên tục đạt phong độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực, nâng tầm ảnh hưởng, vị thế trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, giúp “khai phóng tiềm năng số” cho khách hàng của mình.
Đối với chuyển đổi số lĩnh vực chính quyền, Viettel Solutions đã đồng hành cùng Chính phủ, Bộ ngành để tư vấn và trực tiếp triển khai các giải pháp giúp hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Viettel Solutions cũng là đơn vị hỗ trợ thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số cho hơn 20 Cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng, triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho trên 40 tỉnh thành, trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho hơn 30 tỉnh thành.
Viettel Solutions đã và đang đồng hành cùng các khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực như Bán lẻ, Logistics, Tài chính ngân hàng, Năng lượng, Sản xuất... bằng các giải pháp chuyển đổi số phục vụ toàn trình hoạt động của doanh nghiệp tạo nên những bước chuyển mình đột phá trong kinh doanh bằng công nghệ, hướng tới phát triển kinh tế số.
Với thông điệp “Công nghệ từ trái tim – Technology with heart”, Viettel Solutions luôn lấy con người làm trọng tâm gắn liền với mọi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các giải pháp cho xã hội số được ra đời thông qua sự thấu hiểu nhu cầu của người dân và phục vụ công tác điều hành của các cơ quan quản lý. Các giải pháp số cho ngành giáo dục do Viettel Solutions triển khai như hệ thống quản lý nhà trường SMAS, hệ thống học và thi trực tuyến K12Online… đã giúp xóa khoảng cách địa lý về giáo dục giữa các vùng miền khi kết nối 42 Sở Giáo dục đào tạo, 35.000 trường học, đồng hành cùng 4 triệu học sinh và 600.000 giáo viên trên cả nước.
Nhằm giúp cho ngành y tế có đầy đủ thông tin để tổng hợp, phân tích, có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân nói chung, Viettel Solutions đã xây dựng một hệ sinh thái giải pháp Y tế hoàn chỉnh. Đến nay, hệ sinh thái này đã kết nối gần 1.500 cơ sở y tế, 14.000 cơ sở tiêm chủng, 38.000 cơ sở cung ứng thuốc, 250 bệnh viện, 30 triệu hồ sơ sức khỏe, 3.500 xã….
Chuyển mình thành một công ty toàn cầu, Viettel Solutions đã xúc tiến triển khai kinh doanh lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế, hợp tác chiến lược với những tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google,… để tiếp cận những công nghệ mới, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm phục vụ người Việt , như hệ sinh thái Viettel Cloud.
Với những đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, cho nền công nghệ nước nhà, cho xã hội, trong 5 năm qua Viettel Solutions đã được trao tặng 12 Bằng khen của Chính phủ, Bộ ngành, được vinh danh 81 giải thưởng công nghệ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ngay trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, Viettel Solutions tiếp tục đón nhận thêm bằng khen của Thủ trướng Chính phủ bởi những giá trị mà tổng công ty mang lại cho đất nước.
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions chia sẻ: “Viettel Solutions kinh doanh bằng sự tử tế, bằng cái tâm, bằng chất lượng sản phẩm và tiến độ, hiệu quả, bằng sự tận tụy như người lính Cụ Hồ, Viettel Solutions sẽ luôn lấy thế mạnh của mình về năng lực, con người và uy tín thương hiệu Viettel, cùng một khát vọng bứt phá để hiện thực hóa sứ mệnh chủ lực trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia”.
“Khát vọng bứt phá” là thông điệp hành động của Viettel Solutions trong giai đoạn tiếp theo. Sau những bước chuyển mình mạnh mẽ, Viettel Solutions khẳng định mình là đơn vị tư vấn, triển khai các giải pháp chuyển đổi số số 1 tại Việt Nam, là đối tác tin cậy, hàng đầu về CĐS với mọi tập khách hàng, có chỗ đứng và thương hiệu trong khu vực quốc tế.
Không phải là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng chuyển đổi số, nhưng Hải Phòng thời gian vừa qua đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, tiêu biểu là việc có nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công 5G Private Mobile Network.
Ngày 4/1/2023, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã nhấn mạnh, Hải Phòng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển.
Trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay, Hải Phòng đã triển khai nhiều kế hoạch chuyển đổi số, hàng loạt mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được thực thi và đã gặt hái được kết quả nhất định. Đặc biệt, với kinh tế số, Hải Phòng thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp bằng cách khuyến khích họ kiến tạo và sử dụng giải pháp số, hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về thương mại điện tử, kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất.
Đáng chú ý, trong số các địa phương, Hải Phòng là thành phố đầu tiên có nhà máy thông minh ứng dụng thành công Viettel 5G Private Mobile Network vào vận hành nhà máy của Tập đoàn Pegatron. Nhà máy này được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và hỗ trợ số lượng kết nối lớn.
Trong giai đoạn thứ nhất hợp tác cùng Pegatron, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đơn vị đầu tiên cung cấp mạng 5G dùng riêng (PMN) cho 5 ứng dụng và dự kiến cuối năm 2023 cung cấp mạng 5G PMN cho hàng nghìn thiết bị ở nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử tại Hải Phòng. Trong đó có ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường cho cuộc gọi video trên Public Cloud (điện toán đám mây công cộng); ứng dụng cho dây chuyền sản xuất (Assembly Station); quản lý hoạt động kiểm thử sản phẩm; giám sát, trực tiếp quá trình sản xuất…
Viettel 5G PMN sẽ giúp Pegatron giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đồng thời có thể kiểm soát tốt các quy trình nhờ thu thập thông tin, dữ liệu chi tiết theo thời gian thực, cải thiện môi trường làm việc, giảm tai nạn lao động…
5G PMN là một xu thế đang phát triển nhanh trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng năm là 51,2% từ năm 2023 đến 2030, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho, bến cảng, sân bay… đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà WiFi chưa đáp ứng được.
Ở Trung Quốc, công nghệ này đã được ứng dụng thành công vào nhiều lĩnh vực, ngoài sản xuất thông minh còn có khai khoáng thông minh, logistics thông minh, cảng thông minh và lưới điện thông minh…
Tiêu biểu trong ngành khai khoáng, CEO một mỏ khai thác than tại Trung Quốc có triển khai dịch vụ 5G PMN cho biết: “Chúng tôi từng có 13 công nhân làm việc dưới mặt đất trong một ca làm việc, nhưng giờ chỉ còn 7 người. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chỉ cần năm người làm việc dưới lòng đất trên mặt than”. Và không chỉ giảm 50% số lao động trong môi trường nguy hiểm, 5G PMN còn giúp các công ty khai thác cải thiện lợi nhuận từ 7 đến 12% và lợi tức đầu tư từ 2% đến 3%.
Theo Viettel, mạng 5G PMN có thể được triển khai trong lĩnh vực sản xuất, giáo dục, khai thác mỏ và quốc phòng, doanh nghiệp này cũng hướng tới khách hàng trong các lĩnh vực như sản xuất, khai thác mỏ, logistics và cảng - những lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng ở Hải Phòng.
Trước khi Viettel thử nghiệm thành công công nghệ 5G PMN tại nhà máy của Pegatron, vào năm 2022, cảng Tân Vũ và Đình Vũ cũng đã triển khai công nghệ 5G cho các hoạt động ngành cảng biển để tối ưu hóa hoạt động.
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá, đối với Hải Phòng dịch vụ 5G cho công nghiệp là dịch vụ có tầm quan trọng sống còn. Hạ tầng số là một trong những điểm cần phải được đầu tư trước để tạo ra những lợi thế thu hút được đầu tư.
Mạng 5G dùng riêng cho các khu công nghiệp sẽ giúp tối ưu hóa dây chuyền hoạt động, ứng dụng các công nghệ cao như Trí tuệ nhân tạo (AI), điều khiển tự động hay thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường. Với hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics đa dạng… Hải Phòng này có nhiều tiềm năng để ứng dụng 5G PMN, kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành kinh tế.
Mô hình 5G PMN dự kiến sẽ được chính quyền Hải Phòng khuyến khích mở rộng sang nhiều nhà máy, khu công nghiệp, bến cảng để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả.
“Các doanh nghiệp qua thử nghiệm cũng tạo ra các bài toán chung để áp dụng mô hình này cho doanh nghiệp khác, nhà máy khác. Tôi hy vọng sẽ nhân rộng nhiều nhà máy thông minh ở Hải Phòng để thu hút thêm doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất thông minh” – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói.
Cũng theo ông Hoàng Minh Cường, nhà máy thông minh đầu tiên ứng mạng riêng 5G của Việt Nam tại TP Hải Phòng đã khẳng định nỗ lực không ngừng của Viettel để thực hiện cam kết đồng hành cùng Hải Phòng trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy hiện đại hóa thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tin tưởng rằng thành công của dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác với công nghệ 5G, mở ra tương lai tốt đẹp cho nền kinh tế Hải Phòng, đóng góp vào quá trình xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của các địa phương trong công cuộc chuyển đổi số trên cả nước. Điều này sẽ góp phần giúp Hải Phòng sớm hoàn thành mục tiêu “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Là thành viên của Tập đoàn Viettel, công ty vừa được vinh danh à nơi làm việc tốt nhất châu Á, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường làm việc xanh, thân thiện và gắn kết giữa các nhân viên.
Sở hữu đội ngũ nhân lực hơn 1.000 người, trong đó có 35% là gen Z (sinh năm 1997 trở về sau), Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) có không gian làm việc thân thiện với người trẻ. Không chỉ phúc lợi tốt, tạo cơ hội cho người trẻ thể hiện bản thân mà tại trụ sở chính của công ty (đường Trần Hữu Dực, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn có không gian làm việc thoáng đãng, với nhiều góc sống ảo cực chill.
Tại sảnh tầng một, khu vực đọc sách được bố trí trong không gian mở nhằm lan toả và phát triển văn hoá đọc sách của người Viettel Solutions. Cán bộ nhân viên có thể tranh thủ đọc sách, mượn sách trong thời gian nghỉ trưa, ngoài giờ làm việc. Đặc biệt, các thiết kế có thể di chuyển linh động để tạo không gian sử dụng cho các buổi workshop, sự kiện nhỏ.
Khu vực đọc sách tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, kết hợp với không gian xanh có sẵn của tòa nhà tạo cảm giác thư thái. Điểm nhấn của không gian sách là các kệ sách, ghế ngồi được thiết kế và bài trí thành chữ VTS, tên viết tắt của tổng công ty. Kho sách đa dạng với các thể loại sách nền tảng, sách chuyên môn và sách tu thân được cán bộ nhân viên, lãnh đạo quản lý các cấp trao tặng và tổng công ty đầu tư.
Cây xanh cũng được bố trí khắp nơi như sảnh chính, bên ngoài thang máy, xung quanh khu vực làm việc góp phần thanh lọc không khí, giảm thiểu căng thẳng, nâng cao tinh thần lao động.
Mỗi tầng thường được chia thành khu vực làm việc và khu vực “freestyle" bố trí bàn, ghế hiện đại, trẻ trung để cán bộ nhân viên có thể làm việc theo nhóm nhỏ hoặc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể đơn vị gia tăng sự kết nối.
Không những thế, đây còn là nơi cán bộ nhân viên giao lưu bóng bàn sau giờ làm việc. Đặc biệt, tại Viettel có khoảng thời gian hạnh phúc (happy time) kéo dài 15 phút mỗi buổi chiều để mọi người có thể tập thể dục nhẹ nhàng hoặc thưởng thức âm nhạc, các nội dung truyền thông qua loa phát thanh của TCT cũng như tham gia các hoạt động gắn kết nội bộ.
Viettel Solutions có hệ thống máy tính mạnh mẽ giúp công việc được tiến hành thuận lợi. Trong ảnh là khu vực làm việc của các kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist).
Không những thế, hoạt động Happy day bán hàng gây quỹ từ thiện được tổ chức vào thứ 6, tuần thứ 3 hàng tháng nhằm xây dựng quỹ VTS san sẻ để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Trong ảnh là khu vực tổ chức Happy day dịp Tết Trung thu.
Máy bán hàng tự động sử được đặt ở sảnh tầng một và tầng 13 (nhà ăn - nơi CBNV có thể đăng ký ăn trưa và được phục vụ mỗi ngày với thực đơn phong phú). Đặc biệt, chiếc máy này không dùng tiền mặt và thanh toán qua ứng dụng Viettel Money giúp cán bộ nhân viên thao tác thuận tiện hơn.
Một tấm bản đồ lớn với 11 quốc gia Viettel đã đặt chân tới được đặt ở tầng một. Nó như nhắc nhở các cán bộ nhân viên về tinh thần “go global”, sẵn sàng chinh phục thế giới.
Dự thảo Quy hoạch hạ tầng ngành Thông tin và Truyền thông có một nội dung quan trọng, là hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng (TTDL quy mô vùng), phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo dự thảo này, các TTDL vùng sẽ đặt tại vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng Sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên bải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự thảo cũng nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. Nếu thực hiện được, Việt Nam sẽ có sự đột phá về tăng trưởng kinh tế cũng như vị thế trên thị trường công nghệ thế giới.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chứng kiến một “cuộc đua” xây dựng TTDL của mình với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng hiện đại. Nhưng TTDL vùng ở tầm quốc gia và con đường trở thành Digital Hub của Việt Nam sẽ đòi hỏi những gì?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Công – Phó TGĐ Viettel Solutions về chủ đề này.
Thưa ông, vì sao Việt Nam cần xây dựng các trung tâm dữ liệu vùng?
Lý do thứ nhất xuất phát từ bất cập trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số hiện nay, khi mà việc xây dựng và khai thác các hệ thống công nghệ thông tin để lưu trữ, tính toán, xử lý dữ liệu gặp vấn đề là chưa có tính đồng bộ và tổng thể của cả quốc gia.
Bất cập đó là khả năng tái sử dụng thấp với các thành phần lưu trữ dữ liệu hiện tại, dữ liệu không thống nhất, nguy cơ sai sót, thất thoát dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, các hệ thống công nghệ thông tin đã đầu tư từ lâu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin và nguồn nhân lực cho việc vận hành khai thác, cũng như các tiêu chuẩn của một trung tâm dữ liệu tại địa phương là không đảm bảo. Và mỗi địa phương chỉ có một số lượng nhân sự nhỏ để vận hành dữ liệu cục bộ của mình.
Lý do thứ hai là hiệu quả của TTDL vùng. Các TTDL vùng sẽ có tính tập trung về dữ liệu, giúp cho việc quản lý tốt hơn, khai thác hiệu quả hơn, tăng khả năng chịu tải và tăng tính ổn định. Đồng thời, khi tập trung như vậy, rủi ro về an ninh cũng giảm đi, chúng ta có thể tăng cường bảo mật và kiểm soát truy cập, kiểm soát con người, kiểm soát hệ thống dễ hơn. Cùng lúc, tài nguyên được tối ưu hơn.
Một khía cạnh khác, việc xây dựng TTDL vùng sẽ hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế bởi vì nó cũng thu hút các doanh nghiệp CNTT, các dịch vụ số về một điểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực. Bên cạnh kinh tế, nó cũng thúc đẩy sự kết nối và và hội nhập khi tạo ra các cái điểm kết nối giao thương giữa nước ngoài và đơn vị trong nước. Sau đó là kéo theo sự đầu tư và phát triển về y tế, giáo dục tại khu vực.
Việc lựa chọn khu vực để xây dựng trung tâm dữ liệu vùng dựa trên các yếu tố nào?
Thông thường sẽ có 4 yếu tố.
Thứ nhất, vị trí chiến lược, đảm bảo sự thuận lợi về giao thông, logistics. Thứ hai, đảm bảo về an toàn tự nhiên và an ninh lãnh thổ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu.
Thứ ba, hạ tầng điện. Một TTDL tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, đòi hỏi hạ tầng điện phải ổn định, nguồn cung cấp đáng tin cậy và có hệ thống dự phòng.
Thứ tư, nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế của khu vực. Sẽ rất khó để vận hành TTDL trong tương lai và gây phát sinh chi phí nếu không sử dụng được nguồn nhân lực tại địa phương.
Vậy những thuận lợi và thách thức với Việt Nam khi xây dựng TTDL vùng là gì?
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các TTDL vùng. Trước hết, đó là một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông Tây. Vị trí này được đánh giá là thuận lợi về mặt kết nối cung như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cáp quang.
Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin chất lượng với chi phí cạnh tranh trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các Trung tâm dữ liệu của chính mình. Những thuận lợi này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông ban hành các chính sách và chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi xây dựng TTDL vùng trước hết là mức đầu tư lớn. Nó không chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, mà còn bao gồm chi phí phía sau, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp, chi phí vận hành…
Thứ 2 là vấn đề quản lý và tuân thủ, thể hiện qua việc xây dựng hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn.
Và mặc dù nhân sự được nhắc đến là một yếu tố thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một thách thức khi việc xây dựng TTDL đòi hỏi phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại các khu vực xa trung tâm kinh tế.
Viettel Solutions có thể đóng góp gì vào việc xây dựng các trung tâm dữ liệu vùng?
Với năng lực của Viettel Solutions thì chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ, tư vấn và triển khai cho việc xây dựng một TTDL vùng dựa trên kinh nghiệm xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của Việt Nam.
Chúng tôi cũng có thể trực tiếp tham gia xây dựng hạ tầng cho TTDL và cung cấp các giải pháp nền tảng, ví dụ như Viettel Cloud. Bên cạnh đó, Viettel cũng là một đơn vị rất mạnh trong việc cung cấp các giải pháp bảo mật an ninh, an toàn, có thể cung cấp giải pháp cho TTDL vùng.
Một trong những khó khăn lớn nhất của TTDL là quản lý và vận hành, Viettel Solutions có thể hỗ trợ được việc này với các giải pháp giám sát hệ thống, xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự và sau này sẽ chuyển giao lại cho đội ngũ tại TTDL vùng đó.
Ngoài ra là các cái giải pháp chuyên sâu trong các lĩnh vực hoặc các ngành công nghiệp khác như y tế, giáo dục…
Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, sự thành công của một TTDL vùng thể hiện ở tính kết nối và hội nhập, tức là nó phải thu hút được thật nhiều đối tượng tham gia. Việc xây dựng TTDL vùng mới là hạ tầng thôi, để sau này việc vận hành đi vào hiệu quả, cần phải thu hút nhiều cộng đồng, từ những DN sáng tạo khởi nghiệp, DN CNTT cùng đổ về đây thì TTDL vùng mới phát huy được hết sức mạnh của nó.
Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đề cập đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. Một Digital Hub lớn trong khu vực được thể hiện ở các tiêu chí như thế nào, thưa ông?
Nói một cách ngắn gọn thì để trở thành một Digital Hub của khu vực, sẽ phải xét đến khoảng sáu yếu tố: vị trí địa lý, kết nối quốc tế, trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, nhân lực và cuối cùng là hệ sinh thái dịch vụ số.
Đã gọi là “Hub” tức là phải có sự trung chuyển. Muốn trung chuyển được, phải có cả đường đi và đường đến, chính là các đường kết nối cáp quang quốc tế. Thực tế rằng mạng lưới cáp quang ở Việt Nam hiện nay cũng đã tương đối, nhưng chưa thực sự đủ mạnh. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho cáp quang quốc tế.
Sau khi có “đường đi”, phải có “đồ” để vận chuyển. Đó chính là dữ liệu. Câu chuyện của dữ liệu là làm thế nào để dữ liệu sinh ra nhiều hơn và đồng thời, nó phải được trung chuyển. Trước đây chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh là dữ liệu đang đến Việt Nam và dừng lại, chứ chưa trung chuyển sang các nước khác. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thúc đẩy làm sao để sự trung chuyển dữ liệu được diễn ra.
Nhưng muốn trung chuyển được thì phải có chỗ để chứa dữ liệu. Đó chính là các trung tâm dữ liệu. Và cuối cùng là thúc đẩy các hệ sinh thái dịch vụ số để nó hoạt động được trên những yếu tố cơ bản đó.
Vậy mục tiêu về Digital Hub của Việt Nam còn đối mặt với những vấn đề gì?
Thứ nhất là hệ thống quản lý quy chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi các DN quốc tế sẽ vào Digital Hub Việt Nam nếu thấy nó hoạt động theo thông lệ quốc tế, quen thuộc và thuận lợi cho họ.
Thứ hai là hạ tầng kỹ thuật và điện toán đám mây. So với các Hub khác, số lượng TTDL của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, cho nên cần phải thúc đẩy đầu tư cho TTDL, đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bảo mật cũng là một thách thức lớn. Tại Việt Nam, luật An ninh mạng ra đời là một trong những văn bản pháp lý hỗ trợ giải quyết thách thức này. Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn, có thể hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ ở TTDL.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng kết nối cáp quang quốc tế, đầu tư mở rộng các trung tâm dữ liệu, tăng cường đào tạo các cái nguồn nhân lực. Đồng thời, chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ, tạo cái môi trường thuận lợi để thu hút được cộng đồng cũng như các cái nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông, với mục tiêu trở thành Digital Hub của Việt Nam, lợi ích của các doanh nghiệp công nghệ như Viettel Solutions là gì và đi kèm với đó, trách nhiệm của các doanh nghiệp này ra sao?
Tất nhiên khi Việt Nam trở thành một Digital Hub, nó sẽ tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp CNTT phát triển các hệ sinh thái số, các dịch vụ số, đồng thời tận dụng được các cơ chế thúc đẩy của Nhà nước và tiết kiệm được chi phí.
Ví dụ, nếu nhà nước xây dựng các TTDL thì chắc chắn sẽ có các ưu đãi về chi phí cho doanh nghiệp (DN) khai thác, sử dụng TTDL ấy. Khi đó, cộng đồng DN sẽ tham gia tích cực, tạo được môi trường tập trung sáng tạo ra các cái sản phẩm dịch vụ số, thúc đẩy kinh tế xã hội.
Giống như các công ty công nghệ nói chung, khi tham gia vào nền kinh tế số, Viettel Solutions tìm kiếm được doanh thu, lợi nhuận và khi mà nhà nước thúc đẩy chính sách về digital, đầu tư kết nối cáp quang biển, xây dựng trung tâm dữ liệu… Đó đều là các dự án lớn và mở ra cơ hội cho Viettel Solutions tham gia vào.
Viettel đã và đang xây dựng TTDL của mình và cho một số đơn vị, địa phương. Trách nhiệm của chúng tôi là dùng kinh nghiệm và công nghệ để tư vấn cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng TTDL trung tâm dữ liệu vùng.
Viettel Solutions cũng không ngừng sáng tạo, cung cấp các giải pháp công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đối tác. Sau này, khi đã hình thành TTDL vùng, Việt Nam trở thành Digital Hub thì trách nhiệm của những DN công nghệ như chúng tôi sẽ là tiếp tục đổi mới, phát triển cộng đồng.
Có bài học xây dựng Digital Hub của quốc gia nào có thể phù hợp với Việt Nam?
Ở châu Á có 3 Digital Hub là Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản. Singapore là quốc gia ở gần Việt Nam nhất và chúng ta có thể học được kinh nghiệm từ đó. Trước hết, họ tập trung vào việc đầu tư hạ tầng kết nối, hạ tầng các trung tâm dữ liệu, tập trung vào vấn đề bảo mật và quản lý dữ liệu. Đồng thời, đầu tư vào giáo dục, đào tạo.
Singapore đã hỗ trợ rất mạnh cho DN khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Khi xây dựng TTDL vùng, họ hướng ngay tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ khi xây dựng, các TTDL của họ đã đạt tiêu chuẩn quốc tế rồi. Do đó, thu hút các DN quốc tế một cách dễ dàng.
Singapore có 23 tuyến cáp quang quốc tế còn Hồng Kông chỉ có khoảng 11 tuyến cáp quang biển, 11 tuyến vệ tinh và 42 cái trung tâm dữ liệu lớn, thậm chí còn có trung tâm phục hồi thảm họa nữa.
Việt Nam cũng có 27 trung tâm dữ liệu, 6 đường cáp quang biển nên có thể gọi là “có điều kiện” nhưng như tôi đã nói, để trở thành Digital Hub là cả một quá trình với sự sống động trong trung chuyển dữ liệu giữa Việt Nam và các quốc gia.
Khi trở thành Digital Hub, Việt Nam sẽ là điểm trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu trong khu vực. Điều này có thể tác động đến GDP như thế nào?
Tôi chưa nghiên cứu con số cụ thể, nhưng khi Việt Nam trở thành một Digital Hub thì chắc chắn sẽ tăng được hiệu suất lao động, làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất, thúc đẩy GDP tăng trưởng.
Nó cũng sẽ tạo ra các cái cơ hội kinh doanh mới. Khi chúng ta có sẵn hạ tầng, các cộng đồng được tạo điều kiện sử dụng hạ tầng đó để phát triển các cái dịch vụ mới. Các doanh nghiệp khác lại có thể tiếp tục mở rộng, tạo ra dịch vụ mới từ đó.
Trở thành Digital Hub cũng đồng nghĩa với việc thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cơ hội việc làm và nguồn thu cho Chính phủ. Tất cả những điều này đều sẽ tác động tích cực lên GDP.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Trong sự kiện OpenInfra Days Việt Nam 2023 vừa được tổ chức sáng 30/9, ông Lê Quang Hiếu, Phó TGĐ – Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ví von: “Nếu chuyển đổi số là một ngôi nhà thì Hạ tầng số chính là nền móng”.
Ông Hiếu giải thích, chuyển đổi số gồm có 4 trụ chính.
Thứ nhất, hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang… Thứ 2, điện toán đám mây, điện toán ảo hóa cung cấp các công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng Internet. Thứ 3, nền tảng danh tính số tập hợp thông tin số cho phép xác định duy nhất một cá nhân hoặc tổ chức trong các giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Thứ 4, nền tảng dịch vụ số. Đó là các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ.
Hiện tại ở Việt Nam, Viettel đang sở hữu hạ tầng lớn nhất với 128.000 trạm 2G, 3G, 4G, 5G; 5 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Rated 3-Tia và PCI DSS; hạ tầng cáp quang truyền dẫn lớn nhất lên tới 500.000 km; 110.000 điểm giao dịch và 8.000 điểm giao nhận trên toàn quốc.
Viettel đồng thời sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 13 Data Center trải rộng khắp 3 miền Bắc trung Nam, quy mô 9.000 racks trên tổng diện tích mặt sàn 60.000m2. Theo lộ trình đầu tư, đến năm 2025, Viettel đầu tư mới 10.000 tỷ đồng để nâng lên 13 Data Center và 17.000 racks. Đến năm 2030 sẽ có 22 Data Center và 34.000 racks tương đương mức đầu tư mới gần 40.000 tỷ đồng. Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities - tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.
Mặc dù vậy, những con số này vẫn “chưa phải là to” trong góc nhìn của lãnh đạo Nhà nước.
Ông Lê Quang Hiếu kể lại: “Trong một buổi gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá, ở thời điểm hiện tại tất cả các data center của Viettel mới được 9.000 racks. Cộng cả VNPT và các nhà mạng khác mới được khoảng 2 cái hyperscale data center và con số đầu tư tới 2030 vẫn chưa xứng tầm chiến lược”.
“Tầm” được nhắc đến ở đây chính là mục tiêu Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực vào năm 2030. Ông Hiếu cho biết, Bộ trưởng đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu tìm đường đi để hạ tầng trung tâm dữ liệu trở nên xứng tầm với một Digital Hub.
So với 3 Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Singpore, Nhật Bản, Hong Kong thì số lượng trung tâm dữ liệu của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Chưa kể, nguồn lực nhân sự chất lượng cao về CNTT của Việt Nam vẫn cần bồi đắp thêm.
Hyperscale (Trung tâm dữ liệu lớn) là một trung tâm dữ liệu mang trong mình sức mạnh tính toán siêu cấp, dung lượng lưu trữ khổng lồ và kết cấu mạng rộng lớn. Với Hyperscale người dùng có thể dễ dàng mở rộng quy mô không chỉ từ một máy chủ thành một vài máy chủ, mà từ vài trăm máy chủ hay đến hàng nghìn máy chủ.
Tại sự kiện này, Phó TGĐ Viettel Solutions đã chia sẻ về chiến lược công nghệ mở của Viettel với công nghệ mở, hạ tầng mở và cộng đồng mở. Viettel đã và đang làm một số sản phẩm mang tính chất mã nguồn mở và cũng mở lại cho cộng đồng.
Được biết, hệ sinh thái Cloud của Viettel đang áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.
Một ví dụ về hạ tầng mở là sự kiện Viettel chia sẻ dung lượng kết nối Interner quốc tế cho VNPT. Vào tháng 2/2023, khi cáp quang biển gặp sự cố, Viettel với vai trò là doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông lớn nhất Việt Nam, sở hữu bốn tuyến cáp quang biển và hai hướng cáp đất liền kết nối quốc tế - đã dành một nhánh trong hai tuyến hướng đi Singapore và tuyến hướng đi Hong Kong để hỗ trợ VNPT mở rộng thêm 100Gbps trong thời gian VNPT đàm phán chưa xong việc mở thêm dung lượng cáp đất liền.
Về cộng đồng mở, ông Hiếu kể lại những đóng góp của Viettel trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid tại Việt Nam.
Năm 2020, Hệ thống khai báo y tế điện tử (Vietnam health declaration) được giao do Viettel Solutions xây dựng. Đây là hệ thống giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát tối đa tình hình xuất nhập cảnh, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Chỉ sau 2 ngày, hệ thống đã được triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không với gần 22.000 hồ sơ được khai báo cấp xác nhận y tế. Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác số lượng về người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi ngờ cách ly, thống kê và báo cáo tình hình nhanh và chính xác nhất tới cơ quan y tế, địa phương. Hệ thống này giúp các đơn vị như Cục Xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng tại các cửa khẩu có thể hạn chế được người chưa được kiểm soát về y tế.
Năm 2021, Viettel là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin cho bệnh viện dã chiến hiện đại nhất Hà Nội. Các hạng mục này gồm 400 camera, 200 trạm phát sóng wifi, 18 bộ Tele-ICU, 2 bộ hội chẩn Telehealth, 90 máy tính, máy in, máy quét barcode.
Việc tài trợ cho các tổ chức như OpenInfra và cũng nằm trong chiến lược công nghệ mở của Viettel.