Từ ngày 5/6 đến 9/6/2023, Hội đồng dự án cáp biển ADC (Asia Direct Cable) đã tổ chức Hội nghị dự án cáp quang biển có băng thông lớn nhất Việt Nam tại Khách sạn Park Hyatt TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đăng cai tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong 5 ngày với sự tham gia của 8 nhà đầu tư gồm NT, China Telecom, China Unicom, PLDT Inc., Singtel, SoftBank Corp., Tata Communications, Viettel và nhà thầu NEC.
Nội dung Hội nghị tập trung chính vào việc tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm mục tiêu đưa tuyến cáp đi vào hoạt động sớm trong năm 2024.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các nhà đầu tư rà soát toàn trình tiến độ của dự án, đưa ra các chủ đề thảo luận xoay quanh những vấn đề cả kỹ thuật và thương mại. Hội nghị thông qua kế hoạch lắp đặt thiết bị tại trạm cập bờ còn lại, xác định thời gian dự kiến hoàn thành trạm cập bờ của tuyến cáp tại Singapore, đây cũng là điểm cập bờ cuối cùng của dự án ADC.
Bên cạnh đó, các kế hoạch tích hợp, đo kiểm, nghiệm thu dự án, kế hoạch đào tạo nhân sự tại các trạm cập bờ, các điều khoản và các điều chỉnh liên quan quyền lợi và trách nhiệm của các đối tác thành viên của hệ thống ADC cũng được đưa ra bàn luận, đảm bảo tiến độ của toàn dự án.
Trước đó năm 2022, Viettel đã chính thức công bố tuyến cáp biển quốc tế ADC cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam. Đây là tuyến cáp có kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực Châu Á ((Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore), đồng thời cũng là tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng các tuyến cáp quang biển mới là cần thiết nhằm thúc đẩy nhanh mục tiêu Việt Nam trở thành Digital Hub tại khu vực, do đó Việt Nam cần phát triển thêm 4 đến 6 tuyến cáp mới đến năm 2030 và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần chủ động dẫn dắt, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành tìm kiếm, đánh giá và đề xuất đầu tư.
Là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đầu tư vào tuyến cáp ADC, đồng thời là chủ trạm cập bờ tuyến cáp tại Quy Nhơn và sở hữu 18Tbps dung lượng đi quốc tế trên tuyến cáp này, Viettel đang trở thành doanh nghiệp có hạ tầng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam.
ADC (Asia Direct Cable) là tuyến cáp biển dài khoảng 9.800km kết nối Trung Quốc (Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông), Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hệ thống cáp ADC với thiết kế 8 cặp sợi quang (FP) và có khả năng truyền tải hơn 140 Tbps lưu lượng dữ liệu, cho phép truyền tải dung lượng cao qua khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Đây là tuyến cáp quang biển sử dụng công nghệ truyền tải hiện đại nhất, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 290 triệu USD. ADC có khả năng hỗ trợ các ứng dụng yêu cầu băng thông ngày càng tăng, nhờ sự tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực 5G, đám mây, Internet of Things và Trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới truyền thông trong khu vực.
Các sản phẩm, giải pháp của Viettel Solutions đã được các chuyên gia thế giới công nhận về năng lực công nghệ, đóng góp tích cực cho xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung; đưa Viettel sánh ngang cùng các doanh nghiệp tên tuổi như Amazon Web Services (AWS), SAP, Salesforce…
Theo đó, Viettel Solutions giành giải Vàng tại 4 hạng mục bao gồm: Chiến dịch ra mắt Sản phẩm Dịch vụ CNTT thuộc lĩnh vực Quan hệ công chúng và Truyền thông, giải pháp Trung tâm tương tác khách hàng, công nghệ Blockchain và công nghệ Thực tế mở rộng.
Năng lực nghiên cứu và sản xuất công nghệ 4.0 của đội ngũ Viettel Solutions đã được chứng minh với 2 giải vàng tại hạng mục Blockchain và Thực tế mở rộng. Trong đó, Viettel Managed Blockchain (VMB) là nền tảng giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo lập và quản lý mạng lưới chuỗi khối trên môi trường an toàn, ổn định và khả năng mở rộng dựa trên các framework mã nguồn mở nổi tiếng dành cho doanh nghiệp Hyperledger Fabric. Viettel VMB tạo lối tắt cho doanh nghiệp xây dựng và vận hành mạng blockchain thông qua bộ công cụ dành cho nhà phát triển, mẫu ứng dụng tạo sẵn và tiện ích quản trị để doanh nghiệp phát triển nhanh chóng sản phẩm mới, bắt kịp xu hướng thị trường. VMB có thể được tích hợp với nhiều hệ thống khác một cách nhanh chóng thông qua API/SDK với tính tùy biến cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Giải vàng thứ 2 được trao cho Viettel XR Anatomy Platform (XAP), nền tảng ứng dụng công nghệ thực tế mở rộng XR (Extended Reality) cung cấp các bài học giải phẫu dựa trên mô hình 3D tương tác và trực quan phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng y tế và bệnh viện. Bằng việc tận dụng các công nghệ Thực tế ảo (VR)/ Thực tế tăng cường (AR)/ Thực tế hỗn hợp tăng cường (MR), giải pháp do Viettel Solutions nghiên cứu hỗ trợ công tác giảng dạy, trình bày và truyền đạt kiến thức thông qua các mô hình 3D tương tác về giải phẫu học của con người trong một trải nghiệm mới để kích thích niềm đam mê học hỏi. Viettel Solutions cung cấp kho dữ liệu mô hình 3D và bài học làm giáo trình giảng dạy, cho phép giáo viên nhập mô hình riêng, thiết kế bài giảng theo phong cách riêng. Sở hữu hệ thống xử lý trải nghiệm và thao tác đa dạng, XAP mang lại một phương pháp tiếp thu kiến thức hoàn toàn mới, trực tiếp và hấp dẫn hơn cho học sinh, sinh viên thông qua nhiều nền tảng thiết bị khác nhau.
Tại hạng mục tôn vinh giải pháp “Trung tâm tương tác khách hàng”, giải pháp Viettel CX Cloud - Giải pháp Tổng đài đa kênh toàn diện dành cho doanh nghiệp của Viettel Solutions đã mang về giải vàng thứ 3. Viettel CX Cloud là giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh hợp nhất “Made in Vietnam” và “Made by Viettel” đầu tiên. Sản phẩm này là sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến như AI, Data Analytics…nhằm cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên và giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp; hỗ trợ Doanh nghiệp xây dựng, quản lý và vận hành trung tâm bán hàng/khách hàng tập trung, đảm bảo hiệu quả quản lý con người và quy trình kinh doanh.
Năm 2022, Viettel tạo ra tiếng vang trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam với sự kiện ra mắt Hệ sinh thái Viettel Cloud đa dạng với quy mô lớn. Với Viettel Cloud, dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam, khẳng định quan điểm về chủ quyền và dữ liệu của người Việt Nam. Sự ra mắt của Viettel Cloud đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành công nghệ ở cả trong và ngoài nước. Sự ra đời của hệ sinh thái này được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn vào Top 10 sự kiện Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2022. Thông qua chiến dịch truyền thông, Viettel Cloud nhận được sự ủng hộ của chính phủ, cơ quan quản lý, được khuyến nghị bởi tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới và sự tin tưởng doanh nghiệp và cộng đồng, nhờ đó, chiến dịch này được vinh danh giải vàng tại hạng mục Chiến dịch ra mắt sản phẩm dịch vụ CNTT xuất sắc nhất của năm.
Bên cạnh đó, phần mềm quản lý nhà thuốc Viettel PMS cũng được công nhận giải bạc tại hạng mục Giải pháp CNTT ngành Dược phẩm & Công nghệ sinh học. Đây là giải pháp hoàn chỉnh giúp dược sĩ kiểm soát quy trình quản lý nhà thuốc trực tuyến. Viettel PMS là hệ thống quản lý nhà thuốc đầu tiên thực hiện chuyển dữ liệu lên Hệ thống Dược Quốc gia theo quy định pháp luật đã ban hành, đảm bảo tính ổn định và thông suốt. Hiện giải pháp của Viettel đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Với thành tích vươn ra toàn cầu trong vòng chưa đầy 2 năm, sở hữu10 khách hàng doanh nghiệp quốc tế và đạt top 2 thị phần tại Việt Nam năm 2021, sản phẩm Viettel Intelligent Automation (Viettel IA) đã đạt Đạt giải bạc tại hạng mục Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA). Viettel IA là giải pháp tự động hóa thông minh toàn diện, vượt trội, kết hợp giữa robot phần mềm (RPA) và các công nghệ tiên tiến khác như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện ký tự quang học (OCR), phân tích (analytics). Giải pháp này tăng cường tự động hóa cho các quy trình trong doanh nghiệp với khả năng tự suy nghĩ, tự học và tự thích nghi.
Với những thành công tại đấu trường công nghệ lớn nhất thế giới IT World Awards 2023, Viettel Solutions đã một lần nữa khẳng định năng lực của mình trong nghiên cứu và phát triển công nghệ 4.0. Nâng tầm vị thế một công ty công nghệ, cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Các giải pháp của Viettel Solutions hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trở thành Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) năm 34 tuổi, anh Lê Quang Hiếu là người trẻ nhất trong Ban Tổng Giám đốc. Người đồng sáng lập OpenStack Việt Nam chia sẻ những cơ hội khó tin đối với một kỹ sư công nghệ khi làm việc tại Tập đoàn Viettel.
Ra trường, anh Lê Quang Hiếu (sinh năm 1989) thi tuyển vào Viện Nghiên cứu phát triển Viettel và có 4 năm làm việc tại đây. Sau đó, anh chuyển sang một công ty Nhật Bản trong 2 năm, đồng thời tham gia sáng lập Cộng đồng Cloud mã nguồn mở (OpenStack) Việt Nam. Năm 2018, anh Lê Quang Hiếu quyết định trở về Viettel, làm việc tại Tổng công ty Mạng lưới (Viettel Networks).
Năm 2023, anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng điện toán đám mây (Cloud) tại Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions - một tổng công ty lớn tại Tập đoàn Viettel) và trở thành Phó TGĐ trẻ nhất tại đây khi mới 34 tuổi.
01 Lí do trở lại Viettel
Tại sao anh quyết định chuyển sang một công ty nước ngoài sau khi làm ở Viettel được 4 năm?
Tôi vào Viettel năm 2012 khi mới ra trường và đảm nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu chuyên về mảng điện toán đám mây (Cloud) ở Viện nghiên cứu phát triển Viettel trước đây. Lúc ấy, tôi thấy môi trường để phát triển chuyên môn Cloud tại Viettel và Việt Nam chưa đủ để thoả đam mê. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ và làm cho một công ty tại Nhật với mục tiêu học hỏi thêm, muốn làm mọi thứ nhanh hơn, thoải mái hơn… và phát triển cộng đồng về Cloud mã nguồn mở nhằm thúc đẩy mảng Cloud ở Việt Nam. Ngoài thời gian làm việc, tôi vừa dành thời gian học Thạc sĩ, vừa phát triển cộng đồng OpenStack Việt Nam.
Trở thành một founder của OpenStack Việt Nam có tác động như thế nào đến quyết định trở lại Viettel của anh?
Sau khi hoạt động với OpenStack Việt Nam, tôi được cộng đồng tin tưởng và giới thiệu với các lãnh đạo Viettel Networks.
Khi xây dựng cộng đồng, bên cạnh đam mê công nghệ, tôi cũng có mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo tên tuổi trong mảng Cloud mã nguồn mở. Thế nhưng, sau một thời gian, tôi nhận thấy việc nghiên cứu có vài kết quả chỉ có thể đem khoe với vài anh em khác thì không lan tỏa những thành tựu đó được. Hơn nữa, xu hướng công nghệ có lúc lên lúc xuống…
Các kết quả nghiên cứu cần được triển khai thực tế trên hạ tầng công nghệ mạnh tại doanh nghiệp để phát triển lên. Khi có nền móng vững chắc như vậy, việc lan toả sở thích, đam mê tới nhiều bạn trẻ khác cũng dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp được doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.
Thực tế, tôi quyết định trở về Viettel vì có môi trường thuận lợi để phát triển. Và tại Viettel, tôi được giao những nhiệm vụ, thử thách lớn.
Giờ đây nhìn lại, anh thấy cơ duyên của mình với Viettel nằm ở đâu?
Chắc là vì khi mới ra trường tôi đã vào Viettel làm việc. Hồi đấy còn trẻ quá nên chưa hiểu nhiều, mới vào thì thấy văn hóa, môi trường, con người kỷ luật quá. Nhưng đi ra ngoài rồi, tôi hiểu hơn, mới phát hiện đấy là yếu tố làm nên sức mạnh của Viettel. Khi quay lại, tôi thấy những điều ngày xưa mình thấy gò bó thì thực tế là điểm mạnh trong văn hoá Viettel.
Đấy chính là cái duyên. Nói một cách công bằng, về lại Viettel giống như câu chuyện win-win thôi. Ở đây, tôi có thể thỏa sức với đam mê của mình. Thế nhưng, đúng là tôi không nghĩ mình có thể phát triển được như bây giờ.
Trở lại Viettel sau 2 năm làm việc ở nước ngoài, anh thấy có gì khác so với trước kia?
Ngày xưa, lúc mới ra trường, tôi chủ động tìm đến Viettel, còn khi mình được giới thiệu, được tin tưởng từ cộng đồng, từ những chuyên gia thì câu chuyện cũng khác đi. Ngày trước, tôi đi phỏng vấn tuyển dụng vào Viettel phải qua tận 6 vòng, còn khi trở lại, phỏng vấn rất khác.
Tôi nhớ hôm phỏng vấn gặp anh Thắng (ông Tào Đức Thắng lúc đó là Phó TGĐ Tập đoàn Viettel kiêm TGĐ Viettel Networks) và anh Hổ (ông Nguyễn Mạnh Hổ lúc đó là Phó TGĐ Viettel Networks). Hai anh đưa ra một mục tiêu thách thức, rồi hỏi câu chốt: Em có làm được không và cần điều kiện gì để làm được trong 6 tháng? Buổi phỏng vấn giống như giao nhiệm vụ thử thách vậy, chứ các anh cũng không hỏi những thứ khác kiểu em học trường nào, từng làm ở đâu… (cười).
Anh trở lại Viettel với vị trí nào và đã làm gì với nhiệm vụ được giao khi phỏng vấn tuyển dụng?
Tôi về làm việc ở Viettel Networks với vị trí chuyên viên nghiên cứu công nghệ cho Cloud ở Trung tâm phát triển phần mềm. Lúc ban đầu, tôi nghĩ chưa chắc đã làm được vì cần thay đổi nhiều thứ trong bộ máy khổng lồ ở Viettel Networks, đặc biệt ở một nơi toàn những người cứng về chuyên môn kỹ thuật, quân số đông và quy trình phức tạp thì cũng… hơi khó. Trong khi ấy, mình lại thích những thứ nhanh, gọn, tiện.
Bắt đầu là một chuyên viên, tôi chỉ có thể đề xuất những thứ mình muốn làm cho Giám đốc, rồi sau đó mới đề xuất lên Ban Tổng Giám đốc. Tất nhiên, đề xuất của tôi sẽ rất cụ thể về việc thiết kế ra sao, triển khai thế nào… Điều bất ngờ là những đề xuất đó đều được duyệt và tôi cùng với các anh em trong công ty triển khai rất nhanh, đi kèm với những sự thay đổi cần thiết.
Sau một thời gian, khi được đề xuất bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu của Viettel Networks nhưng tôi từ chối vì… không thích việc đó. Sau đó, khi suy nghĩ lại, tôi thấy mình cần phải học thêm những mảng mới về công nghệ ở Viettel chứ không đơn thuần tập trung vào nghiên cứu và viết ra một số phần mềm. Những điều khác cũng rất quan trọng và có ý nghĩa là phải đưa vào triển khai, vận hành trong thực tế. Vì thế, khi lần thứ 2 được đề xuất, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Lúc đấy, Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu có quân số 400 người, quản lý mảng công nghệ thông tin khoảng 180 người. Trung tâm này phụ trách luôn cả phần Cloud, hạ tầng… Làm được một năm, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc và phụ trách thêm phần hạ tầng cho di động, mạng lõi cùng các mảng kỹ thuật khác.
Gần 2 năm sau đó, tôi chuyển sang Viettel Solutions. Từ một người làm nghiên cứu công nghệ, sang thiết kế và triển khai CNTT, rồi mở rộng ra toàn bộ mạng lưới, sau đó từ mảng CNTT chuyển sang công tác vận hành khai thác cho toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Viettel…, tôi được thử thách ở nhiều mảng khác nhau và được tin tưởng để thực hiện các nhiệm vụ khó. Những cơ hội này giúp tôi trưởng thành rất nhanh.
Các sếp ở Viettel luôn giao thử thách, nhiệm vụ lớn cho người trẻ, giúp họ trưởng thành nhanh hơn và Tập đoàn cũng sẽ có những cơ hội mới từ mảng kinh doanh mới. Còn với riêng tôi thì cơ hội từ một chuyên viên lên Phó TGĐ Viettel Solutions cũng nhờ cơ may, hội đủ “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thôi! Nói chung, đó cũng là một cái duyên.
Sau hơn 5 năm quay về Viettel, anh thấy thay đổi lớn nhất của mình là gì?
Trước đây, tôi là một người bảo thủ, chỉ chăm chăm cho bản thân. Nhưng bây giờ ngoài câu chuyện giá trị cho mình thì đã nghĩ tới lợi ích của nhóm, của tập thể, nghĩ cho gia đình nhiều hơn, đặc biệt là nghĩ đến những điều lớn hơn ngoài bản thân. Điều này có được nhờ việc sống trong môi trường ở Viettel, chúng tôi cũng nhìn được những bài toán lớn hơn từ các trách nhiệm mà mình cần phụng sự.
Giờ đây, tôi cũng biết cân bằng cuộc sống và công việc. Tôi đã nghĩ xa hơn chứ không chỉ nghĩ cho những điều trước mắt như trước đây. Ngày xưa, tôi tập trung vào cá nhân nhiều lắm nhưng bây giờ thì biết hy sinh hơn rồi!
02 Điều các bạn trẻ nên biết khi tìm cơ hội ở các công ty công nghệ
Khi xây dựng và vận hành, khai thác hạ tầng Cloud ở Viettel, điều gì giúp anh tuyển dụng được nhiều kỹ sư trong thời gian ngắn khi nhân lực ở mảng này khá khan hiếm, lại bị cạnh tranh bởi nhiều công ty khác trong đó có cả những thương hiệu lớn nước ngoài?
Là một trong 3 founder của OpenStack Việt Nam, mạng lưới quan hệ trong cộng đồng này cũng giúp tôi có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng là Viettel đem lại những cơ hội lớn cho các bạn trẻ phát triển năng lực. Đó là hạ tầng công nghệ lớn nhất Việt Nam – điều mà công ty khác không thể có.
Ở đây cũng là môi trường mở để các bạn trẻ có cơ hội phát triển, đặc biệt là việc được giao nhiệm vụ khó, lớn để thử thách năng lực của bản thân, thông qua đó kích hoạt những tiềm năng mà chính các bạn cũng chưa biết. Tôi cũng là một ví dụ để các bạn ấy thấy rằng cơ hội ở Viettel mở ra sao.
Công nghệ về Cloud mà Viettel phát triển cũng mở chứ không đóng. Khi có những cải tiến mới, Viettel sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng để cùng nhau phát triển. Đây sẽ là một điểm rất hấp dẫn với các bạn trẻ vì mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Đi kèm với đó là thu nhập và đãi ngộ tốt tương ứng với năng lực, so với mặt bằng chung trên thị trường.
Ngoài ra, Viettel còn có hẳn một chương trình có tên Viettel Digital Talent, dành cho các bạn sinh viên đang học và sắp tốt nghiệp. Trải qua các vòng phỏng vấn, thực tập thực tế, nếu có kết quả tốt, các bạn đủ tiêu chuẩn sẽ được nhận học bổng và vào làm tại Viettel, ký hợp đồng, nhận lương. Thực tế, các bạn được làm việc như một nhân viên chính thức, với các nhiệm vụ thách thức lớn nhỏ tuỳ thuộc năng lực. Đây thực sự là một cơ hội lớn với các bạn trẻ.
Gần đây nhất, Viettel Solutions cử một bạn kỹ sư trẻ đang là sinh viên, đại diện cho công ty tham dự một hội nghị quốc tế lớn về công nghệ (FOSSASIA). Đó cũng là một minh chứng cho cơ hội với các bạn trẻ ở Viettel.
Còn với những người đã có kinh nghiệm tôi mời về Viettel thì câu chuyện không gói gọn ở lương nữa. Đó còn là niềm đam mê và cơ hội được giải những bài toán rất lớn, phát triển năng lực bản thân khi được giao thử thách lớn và được thoả mãn đam mê. Nếu được trải qua thời gian làm việc đủ lâu ở Viettel, profile của bạn sẽ rất khác.
Anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ đang đi tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty công nghệ ở Việt Nam nói chung, trong đó có Viettel?
Điều đầu tiên, cần biết mình đang đứng ở đâu để hiểu các bạn cần gì. Các bạn cần thu nhập, cần thêm kiến thức, xây dựng thương hiệu cá nhân, hay chỉ cần một bước đệm để sau này vươn ra bên ngoài (môi trường quốc tế)… với cơ hội lớn hơn?
Thứ hai là tìm hiểu thêm về những cơ hội và môi trường ở Việt Nam, các doanh nghiệp ở Việt Nam để tìm xem công ty nào phù hợp với điều bản thân mình mong muốn.
Thứ ba là nên tham khảo trên những cộng đồng trong mảng công nghệ mà các bạn đang tham gia. Từ những cộng đồng đấy, các bạn sẽ có thêm cơ hội từ các doanh nghiệp đang có nhu cầu và sự thấu hiểu giữa 2 bên sẽ rõ ràng hơn.
Còn nếu chỉ ngồi đọc thông tin trên mạng, bạn rất có thể rơi vào tình trạng ảo tưởng về công nghệ, về sức mạnh của bản thân. Nhiều bạn mới ra trường đòi hỏi mức lương rất cao dù chưa có gì trong tay cả. Các bạn cần cho doanh nghiệp thấy mình làm việc với cam kết và đóng góp cho họ ra sao, thể hiện với kết quả chứ không phải là bằng phát ngôn ấn tượng gì. Còn việc cứ làm ở một chỗ chỉ 3-6 tháng đã nghỉ thì chỉ mất thời gian của chính mình.
Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions)- Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh chiến lược, chính thức trở thành chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ quản lý (Managed Service Provider) đầu tiên và duy nhất của F5 Networks tại thị trường Việt Nam.
Ngày 25/5/2023, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) và đối tác F5 Networks đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh chiến lược (MSP). Tham gia lễ ký kết, đại diện phía Viettel Solutions có ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc, phía F5 Networks có ông Bok Hwee Khoo, Giám đốc Kinh doanh cấp cao khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Viettel khi hợp tác cùng một trong những công ty hàng đầu thế giới cung cấp thiết bị/giải pháp bảo mật, nâng cao hiệu suất và tính khả dụng của các ứng dụng web, máy chủ, các tài nguyên điện toán đám mây, các thiết bị lưu trữ dữ liệu.
Thông qua hợp đồng này, Viettel Solutions chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ quản lý đầu tiên và duy nhất của F5 Networks tại thị trường Việt Nam. Với việc hợp tác chiến lược, hai bên tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác, trong đó Viettel phân phối các sản phẩm, dịch vụ của F5 Networks cho khách hàng của mình tại Việt Nam và tại các quốc gia Viettel đang đầu tư. Hai cũng sẽ bên phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu về công nghệ và chuyển đổi số nhằm trao đổi tri thức, năng cao năng lực và cùng phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của nhau.
Hiện tại, Viettel Solutions đã tích hợp thành công và hoàn thành đánh giá hiệu năng sản phẩm máy ảo F5 BIG-IP trên hạ tầng Viettel Cloud và hoàn thành thử nghiệm các tính năng cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết lập cấu hình 03 dịch vụ Load Balancer, Tường lửa ứng dụng Web – WAF, Chống tấn công từ chối dịch vụ lớp 7 – DoS Layer 7). Bên cạnh đó, Viettel Solutions cũng đã bắt đầu triển khai tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu, khách hàng, thúc đẩy kinh doanh sản phẩm F5 theo dạng dịch vụ (MSP), và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác trong phạm vi hợp tác chiến lược, toàn diện.
Trước đó vào tháng 3/2023, tại sự kiện MWC 2023 – Hội nghị di động lớn nhất toàn cầu Viettel Solutions và F5 Networks cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với mục tiêu mở rộng năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy giúp phát triển hệ sinh thái và mô hình kinh doanh của hai bên. Đồng thời, việc tích hợp giải pháp có thể giúp Viettel Solutions dễ dàng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu khách hàng và bắt kịp xu hướng công nghệ mới nhất.
F5 Networks là nhà cung cấp thiết bị và giải pháp tối ưu hóa Mạng phân phối ứng dụng hàng đầu thế giới được thành lập năm 1996, có trụ sở chính tại Washington, Hoa Kỳ. Các công nghệ của F5 Networks tập trung vào việc phân phối, bảo mật, tăng hiệu suất, tăng tính khả dụng của các ứng dụng web, máy chủ, tài nguyên đám mây, thiết bị lưu trữ dữ liệu và các thành phần mạng khác.
Ngày 26/5, Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO) đã có chuyến đến thăm, làm việc với Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.
Tham dự buổi gặp mặt có ông Brian Shen, Chủ tịch ASOCIO và đại diện ban lãnh đạo của 12 doanh nghiệp Đài Loan – hội viên của Hiệp hội Công nghệ thông tin (CNTT) Đài Loan (Trung Quốc) (CISA) – thành viên ASOCIO hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như TPIsoftware Corporation, Vossic Technolgy, WebComm Technology,... Phía Viettel Solutions, ông Lê Thành Công – Phó Tổng Giám đốc chủ trì tiếp đón đoàn đại biểu, tham dự còn có lãnh đạo các đơn vị phụ trách phát triển và kinh doanh sản phẩm, giải pháp số trên nhiều lĩnh vực của Viettel Solutions.
Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions Lê Thành Công.
Trong buổi gặp mặt, đại diện của Viettel Solutions cùng đại diện từ 12 doanh nghiệp Đài Loan đã có dịp giới thiệu về doanh nghiệp và trình bày những thế mạnh của mình tại thị trường trong nước và quốc tế. Viettel Solutions, với vị thế là một nhà cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu Việt Nam đã chia sẻ về hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ công nghệ tiên tiến, bao gồm viễn thông, chuyển đổi số và bảo mật thông tin, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp Đài Loan cũng trình bày về những sản phẩm và dịch vụ đột phá đã được công nhận trên toàn cầu của mình. Các đại diện bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với các giải pháp lĩnh vực sản xuất thông minh, giáo dục thông minh, IoT và mong muốn có cơ hội thảo luận sâu về khả năng hợp tác với Viettel trong lĩnh vực này.
Ông Brian Shen- Chủ tịch ASOCIO.
Buổi làm việc đã mở ra cơ hội thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ hiểu biết và khám phá các cơ hội hợp tác giữa hai bên, xây dựng nền tảng cho sự phát triển và sáng tạo chung. Đại diện Viettel Solutions bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác bền chặt với ASOCIO. Qua thảo luận, hai bên đã chia sẻ tầm nhìn và quyết tâm hướng tới cách mạng hóa ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cụ thể là bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số và đô thị thông minh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và giải quyết các vấn đề công nghệ đang gặp phải.
Tại buổi làm việc, Viettel Solutions kỳ vọng có thể làm việc cùng các doanh nghiệp Đài Loan thiết kế và cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu và yêu cầu cụ thể của khách hàng và nhấn mạnh rằng Viettel đang mong muốn thúc đẩy các đối tác của mình triển khai giải pháp trên Viettel Cloud.
Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO) làm việc với Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions)
Chủ tịch ASOCIO đánh giá cao những thành tựu của Viettel Solutions trong lĩnh vực công nghệ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ và sự phát triển chung. Ông cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác tạo ra từ việc kết hợp những ưu điểm của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đài Loan.
Như vậy, cơ hội hợp tác giữa Viettel Solutions và ASOCIO là rất tiềm năng, rộng mở. Hai bên có thể tận dụng những thế mạnh của mình cùng nhau khám phá thị trường mới qua việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để định hình chiến lược mở rộng thị trường và đảm bảo sự hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng mới.
Ðược thành lập năm 1984 tại Nhật Bản, hiện ASOCIO là tổ chức thương mại quốc tế hoạt động năng động và mạnh nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, tổ chức chính phủ và trường đại học hàng đầu trong khu vực. Tổ chức này hiện có 24 hiệp hội thành viên đại diện cho 24 nền kinh tế đến từ 2 châu lục, đại diện cho trên 10.000 doanh nghiệp. ASOCIO đóng vai trò là cầu nối cung cấp quan hệ cho các công ty CNTT của các nước thành viên.
Ứng dụng ngân hàng số đã trở nên phổ biến và hiện diện quanh chúng ta từ các cửa hiệu sang trọng cho tới các gánh hàng rong, những mã QR nhỏ bé xuất hiện mọi nơi và là một kênh thanh toán hữu hiệu thay cho tiền mặt. Thế nhưng ít người trong chúng ta có thể biết được rằng ẩn sau một mã QR tưởng chừng như đơn giản mà ai cũng có thể thiết kế và in ra trên mọi chất liệu ấy lại ẩn chứa những công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất của nền công nghệ thông tin hiện nay.
Ngân hàng số tuy đã được áp dụng những thành tựu tiên tiến nhất và được cập nhật theo chu kỳ tháng hoặc quý nhưng đâu đó vẫn có những “nút thắt” khó có thể cởi bỏ trong ngắn hạn đó là hạ tầng công nghệ thông tin.
Hạ tầng điện toán đám mây cho ngành tài chính nói đang có những “nút thắt” cần giải pháp.
3 ‘nút thắt’ với hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng
Trở về quê trong dịp lễ 30/5-1/5 vừa qua, chị Mai Duyên không còn canh cánh chuyện phải đi cả chục cây số để tìm các cây ATM để rút tiền mặt phục vụ nhu cầu tiêu dùng mua sắm hàng ngày như các năm trước, thay vào đó từ việc chi trả cho những món tiền nhỏ nhất cũng được thanh toán một cách dễ dàng thông qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động và những mã QR được treo ở vị trí dễ nhìn của nhiều cửa hàng, từ tạp hóa cho tới quầy thịt, quầy rau…. “Các cô, các bác ở quê cũng đều có tài khoản ngân hàng của riêng mình nên quét mã QR chuyển khoản đã trở thành ‘bình thường mới’”, chị Duyên chia sẻ.
Với hầu hết mọi người, chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cụm từ “hàn lâm” và “chẳng liên quan tới mình”. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân sử dụng tiện ích từ ngân hàng số có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, theo số lượng thống kê của các ngân hàng TOP đầu thì số lượng người dùng đã lên tới hàng chục triệu và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Bên cạnh thanh toán số, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi/rút tiết kiệm đã được số hóa toàn diện.
Những ngân hàng đi đầu và đẩy mạnh chuyển đổi số cũng ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Trong khi đó, các ứng dụng ngân hàng số cũng đang ngày càng hoàn thiện. Mọi giao dịch thông thường như mở tài khoản trực tuyến (thông qua giải pháp định danh khách hàng điện tử eKYC), gửi tiết kiệm, mở thẻ tín dụng, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn… đều đã có thể thực hiện qua ứng dụng. Thế nhưng, đó là những dịch vụ tiện ích mà khách hàng có thể nhìn thấy, còn đối với các ngân hàng để đảm bảo cho các hệ thống phần mềm vận hành trơn tru, thông suốt là cả một sự đầu tư và nỗ lực không ngừng, từ phần mềm, nhân sự vận hành và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ thông tin cần đảm bảo các yếu tố như: có thể mở rộng và thu gọn để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tối ưu về chi phí, thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe nhất về an toàn thông tin và hỗ trợ những công nghệ của hiện tại và tương lai.
Đây là một trong những nút thắt đầu tiên và khó giải quyết nhất với không chỉ các ngân hàng tại Việt Nam mà còn là các ngân hàng trên thế giới. Là rào cản khiến cho đa phần các ngân hàng chưa thể đẩy nhanh việc triển khai các dịch vụ để mở rộng thị trường và phục vụ khách hàng một cách tốt hơn.
Nút thắt thứ hai là việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thông tin ngày một chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế các rủi ro tiềm ẩn trước nguy cơ bị tội phạm mạng tấn công và khai thác hệ thống.
Với sự hiện diện của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như AWS, Google, Microsoft các nút thắt nêu trên đều cơ bản đã được giải quyết, nhưng vẫn chưa triệt để do các Big Tech đều chưa có Data Center tại Việt Nam để đáp ứng Nghị định số 53/2022 NĐ-CP về lưu trữ dữ liệu, đặc biệt là yêu cầu cho khối ngân hàng.
Giải pháp Việt gỡ ‘nút thắt’ về hạ tầng chuyển đổi số cho ngân hàng Việt
Tại Việt Nam, hiện đã có rất nhiều đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ hạ tầng đám mây đáp ứng đa phần các yêu cầu của khối ngân hàng, tuy nhiên vẫn chưa có đơn vị nào có khả năng “làm chủ” một cách trọn vẹn hạ tầng đám mây (từ thiết kế, triển khai các cấu phần vật lý đến hệ thống phần mềm Cloud). Vào tháng 10/2022 Tập đoàn Viettel ra mắt Viettel Cloud - hệ sinh thái điện toán đám mây “thuần Việt” đầu tiên của Việt Nam, cung cấp đầy đủ các dịch vụ đáp ứng đa phần các yêu cầu của khối ngân hàng.
“Với tư tưởng Cloud Việt Nam sinh ra để phục vụ người Việt, với những sản phẩm, dịch vụ được ‘may đo’ theo thực tế vận hành, chi phí hợp lý, phù hợp các quy định pháp lý, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, Viettel Cloud sẽ luôn là người bạn đồng hành tin cậy của khách hàng trong quá trình chuyển đổi số”, đại diện Viettel Solutions (thành viên của Tập đoàn Viettel) khẳng định.
Thực tế, với vị thế là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nội địa hàng đầu tại Việt Nam, Viettel Solutions (công ty phát triển và phân phối các dịch vụ điện toán đám mây của Tập đoàn Viettel) có khả năng giải quyết nhiều “nút thắt” về hạ tầng đám mây mà nhiều ngân hàng đang gặp phải.
Viettel Solutions hiện có hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, gồm: 13 data center đạt chuẩn ANSI/TIA 942-B:2017 Rated 3 Constructed Facilities, quy mô 9.000 Rack, mặt sàn 60.000m2. Đi kèm với đó là dịch vụ kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất khu vực Đông Dương cùng 5 tuyến cáp quang biển quốc tế.
Bên cạnh đó, Viettel Cloud có công nghệ bảo mật đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1, 2, 3 của Viện Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA).
Với đội ngũ chuyên gia vận hành chuyên nghiệp theo quy trình chuẩn quốc tế (ITIL), và hơn 500 nhân sự R&D về Cloud Computing, 300 kỹ sư về an toàn thông tin… Viettel Cloud luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ khách hàng 24/7/365.