Ông Đoàn Đại Phong: RPA của Viettel là dịch vụ toàn trình (End to End), tức là tư vấn toàn diện từ khả năng, cơ hội có thể làm tự động hóa RPA rồi triển khai các giải pháp tự động hóa, vận hành và tối ưu để nâng cao trải nghiệm của khách hang, trải nghiệm của nhân viên trong quá trình thực hiện. Viettel “may đo” đến từng khách hàng, tùy theo nghiệp vụ kinh doanh của họ.
Viettel có những thế mạnh đặc biệt gì khi cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp, tổ chức khác?
Thế mạnh đầu tiên của Viettel với dịch vụ RPA là cơ sở hạ tầng, do RPA phải kết hợp với các dịch vụ số khác như IoT (Internet vạn vật), Điện toán biên, Cloud.
Thế mạnh thứ hai của Viettel là nguồn lực về mặt con người và công nghệ cùng với kinh nghiệm giải quyết các bài toán nội bộ rất khó về robotics của Viettel. Viettel tin đó là những thế mạnh của mình khi giải quyết các bài toán RPA cho khách hàng.
Viettel đã từng giải những bài toán khó gì để có thể tạo thành thế mạnh khi triển khai các giải pháp RPA cho khách hàng?
Viettel là một tập đoàn đa ngành nghề nên hoạt động có liên quan đến nhiều lĩnh vực như tài chính kế toán, vận hành mạng lưới, logistics… và cần áp dụng rất nhiều bài toán robotics vào.
Ví dụ về mặt đối soát tài chính: trung bình 1 tháng Viettel có đối soát khoảng vài nghìn đến vài chục nghìn doanh nghiệp. Nếu dùng hóa đơn thủ công, chúng tôi sẽ cần rất nhiều nhân lực. Tuy nhiên, khi áp dụng RPA thì mảng đối soát tài chính của Viettel chỉ cần khoảng từ 50 - 60 người, bởi hầu hết nghiệp vụ đều được xử lý tự động khi nhận hóa đơn từ doanh nghiệp.
Theo đó, thay vì thủ công nhập thông tin hóa đơn vào hệ thống, rồi lại phải rà soát thông tin của khách hàng đưa vào hóa đơn có đúng với hệ thống quản lý của Viettel không, thì áp dụng RPA có thể giúp tăng tốc đến hơn 10 lần và tiết kiệm đến 70% chi phí về nhân sự.
Với một khách hàng bên ngoài, việc triển khai RPA cho các nghiệp vụ sẽ mất khoảng thời gian bao lâu?
Thời gian triển khai sẽ rất phụ thuộc vào nghiệp vụ của doanh nghiệp. Theo tổng kết của thế giới với tất cả các ngành nghề, một số ngân hàng trên thế giới thường áp dụng khoảng 50 – 100 quy trình. Tính trung bình doanh nghiệp cần áp dụng RPA cho khoảng 50 quy trình; trong vòng 1 – 3 tháng, Viettel có thể triển khai RPA được 3 - 5 quy trình.
Điều gì là khó khăn nhất khi triển khai các giải pháp RPA của Viettel?
Đối với RPA, theo tôi, khoảng 80% các trường hợp sẽ không gặp khó khăn gì khi triển khai. Vì bản chất RPA là áp dụng robotics vào các nghiệp vụ vốn đang phải thực hiện thủ công.
Khó khăn lớn nhất khi áp dụng RPA thường là khi triển khai cùng với giải pháp công nghệ khác. Ví dụ khi lấy dữ liệu từ các bộ phận cảm biến để đẩy về kho dữ liệu tập trung, áp dụng nhiều công nghệ khác nhau như IoT, liên quan đến Big Data, sau đó mới áp dụng đến RPA. Khó khăn sẽ nằm ở việc tổ hợp với các công nghệ khác, còn riêng về triển khai giải pháp RPA thì gần như không gặp khó khăn gì.
Viettel vừa ký hợp tác chiến lược trong việc triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số cho 3 “ông lớn” là ACV (Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam), Novagroup, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Nếu triển khai các giải pháp RPA của Viettel, sự hình dung về thay đổi của họ sẽ như thế nào?
Bản chất những hiệu quả của chính nội bộ Viettel có thể ánh xạ sang hiệu quả của khách hàng. Theo thống kê, khi áp dụng RPA, trung bình doanh nghiệp có thể giảm thiểu 30% chi phí, tăng độ chính xác trong công việc lên đến 99%. RPA có thể xử lý đến 25% lượng công việc ngành ngân hàng, 36% quy trình trong y tế, và các ngành khác.