0985538080

Sở hữu hạ tầng Trung tâm dữ liệu lớn nhất đất nước, Viettel vẫn cần dẫn dắt để tìm cách đưa Việt Nam xứng tầm Digital Hub khu vực

Chủ nhật, 01/10/2023 - 17:10 (GMT + 7)

Trong sự kiện OpenInfra Days Việt Nam 2023 vừa được tổ chức sáng 30/9, ông Lê Quang Hiếu, Phó TGĐ – Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ví von: “Nếu chuyển đổi số là một ngôi nhà thì Hạ tầng số chính là nền móng”.

Ông Hiếu giải thích, chuyển đổi số gồm có 4 trụ chính.

Thứ nhất, hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang… Thứ 2, điện toán đám mây, điện toán ảo hóa cung cấp các công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng Internet. Thứ 3, nền tảng danh tính số tập hợp thông tin số cho phép xác định duy nhất một cá nhân hoặc tổ chức trong các giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Thứ 4, nền tảng dịch vụ số. Đó là các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ.

Hiện tại ở Việt Nam, Viettel đang sở hữu hạ tầng lớn nhất với 128.000 trạm 2G, 3G, 4G, 5G; 5 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Rated 3-Tia và PCI DSS; hạ tầng cáp quang truyền dẫn lớn nhất lên tới 500.000 km; 110.000 điểm giao dịch và 8.000 điểm giao nhận trên toàn quốc.

Viettel đồng thời sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 13 Data Center trải rộng khắp 3 miền Bắc trung Nam, quy mô 9.000 racks trên tổng diện tích mặt sàn 60.000m2. Theo lộ trình đầu tư, đến năm 2025, Viettel đầu tư mới 10.000 tỷ đồng để nâng lên 13 Data Center và 17.000 racks. Đến năm 2030 sẽ có 22 Data Center và 34.000 racks tương đương mức đầu tư mới gần 40.000 tỷ đồng. Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities - tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến ​​trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.

Mặc dù vậy, những con số này vẫn “chưa phải là to” trong góc nhìn của lãnh đạo Nhà nước.

Ông Lê Quang Hiếu kể lại: “Trong một buổi gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá, ở thời điểm hiện tại tất cả các data center của Viettel mới được 9.000 racks. Cộng cả VNPT và các nhà mạng khác mới được khoảng 2 cái hyperscale data center và con số đầu tư tới 2030 vẫn chưa xứng tầm chiến lược”.

“Tầm” được nhắc đến ở đây chính là mục tiêu Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực vào năm 2030. Ông Hiếu cho biết, Bộ trưởng đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu tìm đường đi để hạ tầng trung tâm dữ liệu trở nên xứng tầm với một Digital Hub.

So với 3 Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Singpore, Nhật Bản, Hong Kong thì số lượng trung tâm dữ liệu của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Chưa kể, nguồn lực nhân sự chất lượng cao về CNTT của Việt Nam vẫn cần bồi đắp thêm.

Hyperscale (Trung tâm dữ liệu lớn) là một trung tâm dữ liệu mang trong mình sức mạnh tính toán siêu cấp, dung lượng lưu trữ khổng lồ và kết cấu mạng rộng lớn. Với Hyperscale người dùng có thể dễ dàng mở rộng quy mô không chỉ từ một máy chủ thành một vài máy chủ, mà từ vài trăm máy chủ hay đến hàng nghìn máy chủ.

Tại sự kiện này, Phó TGĐ Viettel Solutions đã chia sẻ về chiến lược công nghệ mở của Viettel với công nghệ mở, hạ tầng mở và cộng đồng mở. Viettel đã và đang làm một số sản phẩm mang tính chất mã nguồn mở và cũng mở lại cho cộng đồng.

Được biết, hệ sinh thái Cloud của Viettel đang áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.

Một ví dụ về hạ tầng mở là sự kiện Viettel chia sẻ dung lượng kết nối Interner quốc tế cho VNPT. Vào tháng 2/2023, khi cáp quang biển gặp sự cố, Viettel với vai trò là doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông lớn nhất Việt Nam, sở hữu bốn tuyến cáp quang biển và hai hướng cáp đất liền kết nối quốc tế - đã dành một nhánh trong hai tuyến hướng đi Singapore và tuyến hướng đi Hong Kong để hỗ trợ VNPT mở rộng thêm 100Gbps trong thời gian VNPT đàm phán chưa xong việc mở thêm dung lượng cáp đất liền.

Về cộng đồng mở, ông Hiếu kể lại những đóng góp của Viettel trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid tại Việt Nam.

Năm 2020, Hệ thống khai báo y tế điện tử (Vietnam health declaration) được giao do Viettel Solutions xây dựng. Đây là hệ thống giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát tối đa tình hình xuất nhập cảnh, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Chỉ sau 2 ngày, hệ thống đã được triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không với gần 22.000 hồ sơ được khai báo cấp xác nhận y tế. Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác số lượng về người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi ngờ cách ly, thống kê và báo cáo tình hình nhanh và chính xác nhất tới cơ quan y tế, địa phương. Hệ thống này giúp các đơn vị như Cục Xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng tại các cửa khẩu có thể hạn chế được người chưa được kiểm soát về y tế.

Năm 2021, Viettel là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin cho bệnh viện dã chiến hiện đại nhất Hà Nội. Các hạng mục này gồm 400 camera, 200 trạm phát sóng wifi, 18 bộ Tele-ICU, 2 bộ hội chẩn Telehealth, 90 máy tính, máy in, máy quét barcode.

Việc tài trợ cho các tổ chức như OpenInfra và cũng nằm trong chiến lược công nghệ mở của Viettel.