0985538080

10 giải pháp công nghệ nổi bật của Viettel thay đổi ngành Y Việt Nam

Thứ bảy, 27/02/2021 - 19:02 (GMT + 7)

Việc ứng dụng nhiều công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây Cloud, phân tích dữ liệu lớn Big Data hay kết nối vạn vật IoT… đã giúp xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá trong ngành y tế.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth)

Năm 2020, ngành y tế đã hoàn thành kết nối và khai trương 1.000 điểm theo Đề án Khám chữa bệnh từ xa năm 2020-2025, về đích trước 15 ngày. Đến hiện tại, hệ thống đã kết nối hơn 1.200 cơ sở y tế, tổ chức gần 300 buổi hội chẩn. Đây là cuộc cách mạng thần tốc về khám chữa bệnh, tạo ra một thế giới phẳng trong y tế.

Với Telehealth, tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết. Hệ thống đã được triển khai từ Mường Nhé đến Cô Tô, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, với sự tham gia của 27 bệnh viện tuyến trên, trong đó có 4 bệnh viện hạng đặc biệt giúp chất lượng của việc khám chữa bệnh từ xa thông qua Telehealth ngày càng được nâng cao và bảo đảm.

Hệ thống hỗ trợ các y bác sĩ điều hành những ca phẫu thuật cách xa hàng trăm km, đồng thời với việc được ứng dụng công nghệ AI, hệ thống cũng hỗ trợ giúp các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tránh các sai sót.

Quản lý tiêm chủng trọn đời theo mã số cá nhân

Để tránh tình trạng phụ huynh bỏ sót lịch tiêm của trẻ, đồng thời xây dựng một hệ thống quản lý hồ sơ tiêm chủng trọn đời, Bộ Y tế đã xây dựng và khai trương hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia và Sổ tiêm chủng điện tử.

Hiện tại, hệ thống đã được triển khai tới gần 14.000 cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, quản lý hơn 22 triệu đối tượng tiêm chủng theo mã số ID duy nhất, quá trình tiêm chủng, kho vật tư vắc xin và lịch sử tiêm chủng từng cá nhân trọn đời. Hệ thống được xây dựng trên nền điện toán đám mây, an toàn bảo mật, số liệu trực quan theo thời gian thực.

Ngoài việc quản lý được tiêm chủng, hệ thống còn giúp ngành y tế đánh giá được ở từng địa phương để từ đó có dự báo, dự trù về vaccine cũng như các mô hình bệnh tật có thể xảy ra liên quan đến vaccine.

Thông qua việc nhanh chóng triển khai thành công toàn quốc, ngành y tế kỳ vọng sẽ tiến tới không còn sử dụng sổ theo dõi tiêm chủng bằng giấy và các báo cáo giấy trong tiêm chủng. Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia được kỳ vọng việc phòng ngừa bệnh cho trẻ tốt hơn tiến tới hồ sơ quản lý sức khỏe trọn đời.

Cổng công khai y tế

Đây là kênh chính thống để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…

Chỉ trong 15 ngày xây dựng và triển khai, Cổng công khai đã có dữ liệu 62.438 dược phẩm, 28.000 trang thiết bị - vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ.

Thông qua Cổng công khai y tế, cơ quan quản lý nhà nước có thể nhanh chóng cập nhật số liệu ngành, từ đó có cơ sở để kịp thời xây dựng các cơ chế chính sách quản lý phù hợp với tình hình hiện tại. Cung cấp công cụ để doanh nghiệp tra cứu thông tin giá sản phẩm, so sánh, đối chiếu với các doanh nghiệp khác để có chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao chất lượng cạnh tranh. Đặc biệt, Cổng công khai y tế sẽ là công cụ đắc lực để người dân trở thành những giám sát viên cho ngành Y tế; biết chính xác thông tin giá của các sản phẩm, dich vụ y tế.

Mạng Kế nối Y tế Việt Nam

Chính thức được Bộ Y tế khai trương ngày 30/12/2020, Mạng y tế Việt Nam là mạng nội bộ của ngành y tế, kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trên toàn quốc, giúp các bác sĩ hỗ trợ trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán, hình ảnh, điều trị.

Là mạng xã hội đầu tiên của ngành, vừa có các thế mạnh của mạng xã hội như lan tỏa nhanh, kết nối và ảnh hưởng sâu rộng, vừa hạn chế được những yếu tố còn bất cập của mạng xã hội đại trà khác.

Lần đầu tiên toàn bộ cán bộ y tế trên cả nước có công cụ để trao đổi, học tập cùng nhau, tương tác với người đứng đầu các cấp trực tiếp qua chiếc smartphone.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân

Được đánh giá là “trái tim” của Chuyển đổi số ngành y tế, lõi của Hệ sinh thái Y tế thông minh, Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp kết nối toàn bộ dữ liệu ngành y tế, quản lý dữ liệu sức khỏe người dân trọn đời, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.

Ngày 30/12/2020, Bộ Y tế chính thức khai trương hệ thống. Đồng thời, 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và Viettel thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh không dùng giấy, hướng tới mục tiêu dài hạn của Chính phủ về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, phát triển tuyến y tế cơ sở, để mỗi người dân có một trợ lý thông minh về sức khỏe.

Thông qua việc triển khai hệ thống sẽ hình thành mô hình tổng thể kết nối liên thông giữa các hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu quản lý toàn diện và xuyên suốt sức khỏe của một người dân từ lúc sinh ra đến khi chết đi. Hệ thống giúp liên kết dữ liệu sức khoẻ của người dân từ các cơ sở khám chữa bệnh các cấp, người bệnh không phải lưu trữ, mang nhiều hồ sơ và thực hiện nhiều chỉ định lặp lại không cần thiết; Kết nối các cơ sở y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh toàn dân; hỗ trợ sở Y tế các tỉnh, thành phố quản lý toàn diện các chương trình sức y tế trên địa bàn

Hệ thống được áp dụng trí tuệ nhân tạo, Bigdata trong quản lý, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định, xây dựng chính sách y tế; các công nghệ blockchain trong bảo mật dữ liệu sức khoẻ.

Tờ khai y tế điện tử

Đây là “lá chắn công nghệ kịp thời ngay trong tâm dịch” được hoàn thành trong vòng 48 giờ. Hệ thống triển khai chính thức từ 6h sáng ngày 7/3 trên toàn quốc với tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam, bao gồm người Việt và người nước ngoài.

Hệ thống được triển khai kịp thời cho các ngành y tế, du lịch, giao thông để quản lý không chỉ dịch bệnh tại các điểm xuất nhập cảnh, di chuyển nội địa và khai báo toàn dân. Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác số lượng về người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi ngờ cách ly, thống kê và báo cáo tình hình nhanh và chính xác nhất tới cơ quan y tế, địa phương.

Hiện tại, hệ thống đã quản lý hơn 14 triệu tờ khai điện tử, bao gồm tờ khai cửa khẩu, tờ khai di chuyển nội địa và tờ khai sức khỏe người dân.

Portal và app “Sức khỏe Việt nam”

Hệ thống Portal và App cung cấp thông tin chính thống, cập nhật tức thời diễn biến dịch và công cụ bảng tự đánh giá nguy cơ, báo cáo ca bệnh nghi ngờ để gửi tới cơ quan y tế rà soát, cung cấp các khuyến cáo và hướng dẫn tự bảo vệ bản thân. Sau 6 ngày ra mắt, website đạt hơn 42 triệu lượt truy cập, App đạt hơn 1,6 triệu lượt tải.

Số hóa ngành dược

Từ năm 2018, Cục Quản lý Dược đã xây dựng, kết nối và liên thông thành công 13 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (đạt 100%) được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.

Kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc

Với sự ra đời của Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược và triển khai kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc từ tháng 8/2018, chỉ sau 12 tháng, đã kết nối trên 61.000 nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trên toàn quốc, kết nối 63/63 tỉnh, thành phố, quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, 26,7 triệu hóa đơn bán hàng, gần 4 triệu phiếu xuất nhập kho, hỗ trợ cho công tác kiểm soát chất lượng thuốc. Hệ thống quản lý thông tin viên thuốc từ lúc sản xuất, nhập khẩu đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc, chống lại tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc.

Năm 2020, trước diễn biến dịch bệnh, phần mềm quản lý thuốc đã được xây dựng để phục vụ phòng chống dịch để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với 48 hoạt chất.

Hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề

Hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề, giám sát toàn bộ 100% việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề dược, đảm bảo không trùng lặp các thông tin của chứng chỉ. Gần 110.000 thông tin chứng chỉ hành nghề dược tại trên 61.000 cơ sở kinh doanh (bán lẻ) và 4.000 cơ sở kinh doanh (bán buôn, sản xuất xuất nhập khẩu) từ năm 2009 đến nay được giám sát chặt chẽ.

10 giải pháp công nghệ nói trên phần lớn được thực hiện trong năm 2020, thể hiện quyết tâm thay đổi mạnh mẽ bằng chuyển dịch số của ngành y tế, với sự quyết liệt trong điều hành và tâm huyết trong thực hiện. Đồng hành với nhiều dự án chuyển đổi số của ngành y tế, ông Khổng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết: “80% thành công trong các dự án chuyển đổi số ngành y xuất phát từ những chuyển đổi quan trọng không phải công nghệ của các y bác sĩ. Các công ty cung cấp giải pháp công nghệ như Viettel chỉ đóng góp 20% còn lại với các giải pháp mang tính kỹ thuật. Tất nhiên, việc chuẩn bị và thử nghiệm thành công các giải pháp công nghệ 4.0 trước khi phối hợp cùng các y bác sĩ để thực hiện dự án sẽ là một nhân tố quan trọng giúp chuyển đổi số thành công”.