18008000

Những phát ngôn hot tại sự kiện công nghệ nổi bật tháng 11 – Viettel DX 2023

Wednesday, 22/11/2023, 03:11 (GMT + 7)

Loạt chuyên gia đến từ các tổ chức tư vấn quốc tế như BCG, KPMG, các công ty công nghệ như Viettel, Microsoft, NVIDIA, Moody's Analytics... đã cùng quy tụ tại sự kiện Viettel DX 2023 để thảo luận về chủ đề “Khai phóng tiềm năng số”.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, với chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Viettel xác định sứ mệnh tiên phong kiến tạo xã hội số. Để có thể tiên phong và chủ lực, Viettel đã luôn đi đầu và vươn tới khu vực trong việc triển khai hạ tầng số như 5G, hệ thống dữ liệu nền tảng IoT, Cloud…

Viettel cũng cam kết sẽ đầu tư tiếp tục đầu tư đóng góp cho nhiều hơn nữa cho cộng đồng công nghệ. Để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia số hướng tới mục tiêu người dân được phục vụ tốt hơn, một nền kinh tế số để người dân giàu có hơn, một xã hội số để người dân hạnh phúc hơn; Viettel kêu gọi các doanh nghiệp không thể đi một mình, mà hãy đi cùng nhau.

Phát biểu tham luận khắc họa bức tranh toàn cảnh về việc đầu tư công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính Phủ và Y tế Lãnh đạo Tư vấn Giải pháp ESG, KPMG Việt Nam & Campuchia nhấn mạnh 5 điều doanh nghiệp cần lưu ý với chuyển đổi số.

Thứ nhất, dù chuyển đổi số như thế nào, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào khách hàng, biết khách hàng muốn gì để có thể chuyển đổi số xung quanh nhu cầu đó. Thứ hai, cần giữ thái độ cởi mở khi chuyển đổi số, không theo cách cũ mà có thể theo cách mới.

Thứ ba, chuyển đổi số đòi hỏi tính bền bỉ của doanh nghiệp, bởi đó là quá trình khó khăn và không đơn giản. Thứ tư, chuyển đổi số luôn cần được gắn với tiêu chí phục vụ con người. Và cuối cùng, doanh nghiệp cần tận dụng các công nghệ mới vào chuyển đổi số.

Từ tháng 10 năm ngoái chat GPT đã mở ra một bức tranh, diện mạo mới của trí tuệ nhân tạo. Theo ông Anissh Pandey, Giám đốc NVIDIA Cloud châu Á - Thái Bình Dương, trí tuệ nhân tạo đã giúp chúng ta chuyển đổi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp áp dụng trí tuệ nhân tạo, trí tuệ nhân tạo tạo sinh có khả năng tăng doanh thu đến 10% và khả năng này lớn hơn doanh nghiệp khác khoảng 2,6 lần.

Ví dụ như ngày nay chúng ta đang có các ứng dụng PDF, các ứng dụng dịch thuật các đoạn văn bản hoặc chuyển các đoạn văn bản thành PDF hoặc rất nhiều các ứng dụng khác. Nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo thì chúng ta có thể mở rộng phạm vi hơn, áp dụng với các bức hình, nội dung ảnh hay đối với lĩnh vực y tế thì đây cũng là một vấn đề rất quan trọng.

Tham luận về chủ đề quản trị dữ liệu, theo ông Hoàng Long Trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel, để quản trị dữ liệu, điều quan trọng nhất là người đứng đầu phải nhận thấy đây là việc quan trọng, thì bộ máy bên dưới mới có thể triển khai. Thứ hai, về vấn đề nguồn lực, đây là lĩnh vực rất khó tuyển dụng ở Việt Nam, mà chỉ có thể chuyển đổi nhân sự nội bộ sang tự đào tạo.

Thứ ba, phần lớn doanh nghiệp đã nghĩ đến quản trị dữ liệu đều có tuổi đời lớn, ít nhất là quá trình tồn tại, phát triển từ 5-10 năm, do đó, dữ liệu của doanh nghiệp rất đa dạng, nên việc hệ thống hóa, thậm chí là khám phá lại dữ liệu cũng mất rất nhiều thời gian.

Chính vì thế, cách làm của Viettel trong quản trị dữ liệu là “nhìn xa và làm cụ thể”. Nhìn xa tức là Hội đồng dữ liệu - người đứng đầu là Tổng giám đốc sẽ đóng vai trò tham mưu, tư vấn để đảm bảo quản trị dữ liệu nhất quán với chiến lược phát triển chung.

Còn làm cụ thể các chuyên viên quản trị nghiệp vụ, kỹ thuật, vận hành dữ liệu đều tổ chức bộ máy đảm bảo đúng và đầy đủ cho các hoạt động quản trị dữ liệu như thực thi chính sách, tiêu chuẩn, quy trình, quy định của Tập đoàn. Tại mỗi đơn vị nhân sự liên quan quản lý, quản trị dữ liệu được định nghĩa rõ ràng.

Tiến đến phần thảo luận được điều phối bởi ông Lê Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions, ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc quốc gia khối ISG, Công ty TNHH Dell Việt Nam nhấn mạnh tín hiệu đáng mừng, là nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển từ đầu tư, mua (CAPEX) sang thuê cơ sở hạ tầng sang Cloud (OPEX).

Dù rất hiệu quả về câu chuyện đầu tư, tuy nhiên, thách thức vẫn còn tồn tại. Ông Hòa lấy ví dụ một doanh nghiệp, tổ chức có thể sử dụng nhiều dịch vụ trên nhiều nền tảng Cloud khác nhau của nhà cung cấp dịch vụ Public Cloud. Vì thế sẽ có câu chuyện hạn chế là nguồn lực về mặt công nghệ cũng như vận hành.

Ví dụ Dell có những khách hàng có thể sử dụng đến 2-3 nhà dịch vụ cung cấp Public Cloud, đồng thời họ sử dụng Private Cloud của họ. Vì thế việc vận hành và đầu tư sẽ là câu chuyện khó khăn.

Được hỏi về hiện tượng “Cloud Exit” - thoát khỏi Cloud đang tồn tại ở châu Âu, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Một số doanh nghiệp kỳ vọng: “Tôi nghĩ là lên Cloud tiết kiệm chi phí”, nhưng sau một thời gian sử dụng họ lại cảm thấy đắt hơn rất nhiều.

Ông Tâm cho rằng, khi có chiến lược xây dựng dịch vụ Cloud, câu hỏi tại sao cần sử dụng dịch vụ Cloud, nỗi đau cần giải quyết của doanh nghiệp là gì, để chọn ra mô hình Cloud phù hợp, thì câu chuyện Cloud Exit sẽ không xảy ra, vì doanh nghiệp không bị “vỡ mộng”, tưởng rằng sử dụng dịch vụ Cloud đơn thuần là tiết kiệm chi phí.

Là chủ một startup về công nghệ, ông Albert Antoine cho lời khuyên, một doanh nghiệp cần nắm rõ được vị thế của mình đang đến đâu, điểm đến của mình thế nào, khi đó mới có thể biết đường con đường mà doanh nghiệp cần phải đi. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có “map" (bản đồ).

Ở đó, doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến Cloud, mà cần tạo ra trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn, dùng công nghệ để tạo ra những biện pháp mới, hay làm thế nào để tối ưu hoá quy trình hoạt động. Điểm đáng quan tâm là, lãnh đạo cần phải có tư duy thay đổi và quản trị thế nào trong doanh nghiệp của mình, để có thể đem đến một tầm nhìn đổi mới mà được toàn thể nhân viên đồng thuận.